Việt Nam hiện đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng 19 hiệp định thương mại tự do (gọi tắt là FTA) song phương và đa phương với các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ năm 2019. Sau 5 năm triển khai, CPTPP là một trong những FTA mang lại hiệu quả cao cho hàng Việt xuất khẩu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần phải tìm hiểu tường tận hơn về cam kết của Hiệp định với từng ngành hàng, đáp ứng tốt yêu cầu về quy tắc xuất xứ để có ưu đãi. Nhằm nâng cao khả năng tham gia của các chủ thể trong quy trình xuất khẩu hàng hóa, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận thị trường các nước, Bộ Công thương đã xây dựng kế hoạch phối hợp các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về các FTA thế hệ mới. Kế hoạch này tập trung vào 10 chủ đề chính, như xây dựng Hệ sinh thái tận dụng FTA; hướng dẫn thực hiện các cam kết; phổ biến, hướng dẫn các FTA mới ký kết, phê duyệt hoặc phê chuẩn, v.v...
Để thiết lập đầu mối thông tin, tiếp nhận và trả lời các câu hỏi từ các cơ quan quản lý cấp địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân liên quan đến FTA, trong đó có Hiệp định CPTPP; một yếu tố quan trọng là đội ngũ chuyên trách chuyên môn sâu thường trực. Bộ Công thương cũng đã có công văn gửi các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp và viện, trường của 63 tỉnh thành phố, thông báo về tổ chức các lớp đào tạo chuyên gia FTA thế hệ mới, bao gồm các chương trình đào tạo khóa cơ bản và khóa chuyên sâu.
Bên cạnh từng bước xây dựng cán bộ phụ trách thực thi FTA đang còn thiếu về lượng và yếu về chất, việc thống nhất kế hoạch tuyên truyền cũng được Bộ Công thương chú trọng. Bởi công tác phổ biến thông tin có lúc có nơi chưa tốt, nội dung phổ biến còn chung chung, chưa tập trung nội dung doanh nghiệp quan tâm. Nguyên nhân hạn chế này là do nhận thức chưa được đầy đủ của một bộ phận cán bộ Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi các FTA.
Để các hoạt động phổ biến, tuyên truyền các Hiệp định tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền, tập trung vào các nội dung cụ thể theo từng ngành hàng, từng lĩnh vực mà các doanh nghiệp quan tâm; đa dạng cách thức thể hiện để tạo sự hấp dẫn, thu hút và dễ thực hiện. Mục tiêu cao nhất là giúp cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp cập nhật đầy đủ, kịp thời các định hướng, chủ trương, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới việc đàm phán và thực thi các FTA nói chung, CPTPP nói riêng; cũng như các cam kết, quy định, tình huống thực tế và cách thức xử lý các vướng mắc phát sinh thường gặp liên quan tới việc thực thi các hiệp định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!