Nghị định 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới có hiệu lực đi vào thực thi từ năm 2019, số lượng trung tâm đăng kiểm tăng thêm 107 trung tâm, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp và cá nhân đầu tư. Tuy nhiên, quá trình xã hội hóa hoạt động đăng kiểm đã và đang bộc lộ không ít bất cập, đáng lo ngại nhất gần đây xuất hiện những trung tâm đăng kiểm kém chất lượng, thậm chí là tiêu cực, khiến Bộ Giao thông vận tải phải yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam tạm đình chỉ hoạt động của đăng kiểm viên và tạm dừng hoạt động của các trung tâm đăng kiểm. Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra rằng, các sai phạm này mới xảy ra hay đã tồn tại từ lâu và giờ cơ quan chức năng mới phát hiện?
Trong báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải mới đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, số trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước hiện nay là 280, trong đó 196 đơn vị theo hình thức xã hội hóa, 64 thuộc Sở giao thông vận tải và 20 thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Có thể thấy các đơn vị xã hội hoá chiếm đa số, đến 70%.
Một điều không phủ nhận, xã hội hóa đăng kiểm là giải pháp để hạn chế tình trạng quá tải tại các trung tâm đăng kiểm, nhất là những thành phố lớn. Thế nhưng thực tế, có quá nhiều trung tâm đăng kiểm, nhất là trung tâm đăng kiểm xã hội hóa đã làm phát sinh thêm mặt trái. Ví dụ như vụ việc hơn 70 nghìn xe không đảm bảo an toàn kĩ thuật vẫn được cấp phép lưu hành xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận vừa được đưa ra ánh sáng mới đây.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!