TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Ký kết quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ, giảm rủi ro cho nghề nuôi tôm

Đức Đệ, Hữu Phương (VTV8)Cập nhật 16:14 ngày 06/04/2018

VTV.vn - Sáng nay (06/4), tại Ninh Thuận, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức buổi làm việc và ký quy chế phối hợp trong quản lý giống tôm nước lợ.

Nghề nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam, những năm gần đây, đã có những bước phát triển nhanh. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng tôm giống chưa tốt, một số quy định của pháp luật còn bất cập, dẫn đến việc kiểm soát chất lượng, dịch bệnh còn khó khăn, nuôi tôm nước lợ còn tiềm ẩn rủi ro. 

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2017, cả nước có hơn 2.400 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, sản lượng đạt 125 tỷ con. Sản xuất giống tôm tập trung chủ yến ở các tỉnh Nam Trung Bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hoà. Tuy nhiên, tình trạng vận chuyển tôm giống không qua kiểm dịch diễn ra phức tạp. Trong khi đó, việc xử phạt các phương tiện vận chuyển tôm giống không qua kiểm dịch không có tính răn đe. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cung cấp tôm giống không có cơ sở sản xuất, chỉ thu gom tôm giống trôi nổi, không có nguồn gốc, nhưng vẫn cung cấp cho người nuôi mà không chịu bất kỳ một sự kiểm tra, kiểm soát nào. Một số cơ sở sản xuất bị làm giả thương hiệu.

Với đặc thù của các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận là vùng sản xuất giống tôm nước lợ tập trung, sản lượng chiếm hơn 50% tổng sản lượng giống của cả nước, do đó, tại hội nghị sáng 6/4, đại diện 11 địa phương đã thống nhất ký kết quy chế quy định về nguyên tắc, nội dung phối hợp trong công tác quản lý giống tôm nước, phân chia làm 02 hoạt động là địa phương sản xuất và địa phương tiêu thụ tôm giống.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, các địa phương sẽ chủ động trao đổi thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm trong quản lý giống tôm nước lợ, đảm bảo hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để ngành nuôi tôm nước lợ phát triển ổn định.             

Các làng nghề xứ Thanh tất bật vào vụ tết

VTV.vn- Những ngày cận Tết, các làng nghề về thực phẩm ở tỉnh Thanh Hóa mong muốn được mùa, được giá khi xuất bán các sản phẩm để có thêm nguồn thu trong dịp Tết cổ truyền.