TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Kiểm tra việc nghiệm thu đưa vào sử dụng Nhiệt điện Vĩnh Tân 4

TTXVNCập nhật 18:09 ngày 19/04/2018

Một góc Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

VTV.vn - Hôm nay (19/4) đã diễn ra lễ gắn biển công trình cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

Ngày 19/4, Bộ Xây dựng phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Lễ gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Xây dựng (29/4/1958 - 29/4/2018) cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). 

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, đây là dự án được áp dụng công nghệ hiện đại với một số đặc điểm nổi trội như: nhà máy nhiệt điện sử dụng thông số hơi siêu tới hạn, công suất, hiệu suất cao, chi phí hợp lý và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. 

Đặc biệt, công trình xây dựng với tỷ trọng nội địa hóa cao (gần 26%) và được thực hiện theo mô hình mới về thu xếp vốn. Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là công trình có quy mô lớn và lần đầu tiên do tư vấn của Việt Nam chủ trì thiết kế. Dự án này xứng đáng là công trình chào mừng 60 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam - Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh. 

Sáng cùng ngày, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cũng đã tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. 

Đây là Nhà máy Nhiệt điện đốt than có tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, gồm 2 tổ máy có cấu hình 1 lò hơi đốt than phun và 1 tua bin ngưng hơi truyền thống kèm máy phát, thông số hơi trên tới hạn. Hệ thống làm mát trực lưu sử dụng nước biển. Nhiên liệu chính là than đá bitum nhập khẩu từ Indonesia và Australia qua bến cảng tiếp nhận với tàu 100.000 DWT. Nhiên liệu khởi động và đốt kèm khi phụ tải thấp là dầu nhẹ LDO. Nhà máy được đấu nối với hệ thống điện quốc gia qua sân phân phối 500 kV. 

Được khởi công ngày 9/3/2014, tổ máy đầu tiên của dự án hoàn thành vào 26/12/2017; tổ máy thứ hai hoàn thành 26/6/2018. Dự án sử dụng 85% vốn tín dụng xuất khẩu ưu đãi thương mại của tổ hợp ngân hàng, bảo hiểm Hàn Quốc (KEXIM/KSURE) và Nhật Bản (JBIC) và 15% vốn đối ứng của Tập doàn Điện lực Việt nam (EVN). 

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư hơn 40 nghìn tỷ đồng - một trong những dự án trọng điểm của Chính phủ nằm trong quy hoạch Tổng sơ đồ điện VII. Tổng công ty Phát điện 3 - Ban Quản lý Nhiệt điện Vĩnh Tân là đơn vị quản lý dự án. 

Dự án do tổ hợp nhà thầu DOOSAN - MITSUBISHI - Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2) và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương (PACIFIC, Việt Nam) làm tổng thầu EPC. Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 3 (PECC3) phối hợp với tư vấn phụ nước ngoài Tractebel làm tư vấn, giám sát thi công xây dựng. 

Theo báo cáo của đại diện chủ đầu tư (EVN), đến thời điểm này tổ máy thứ hai và toàn bộ dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã được thiết kế, xây dựng, lắp đặt và vận hành thử nghiệm tuân thủ theo yêu cầu của hợp đồng, tiêu chuẩn đã được phê duyệt và tuân thủ các quy định của Nhà nước. Các hạng mục chính của tổ máy gồm lò hơi, tua bin, máy phát, máy biến thế, hệ thống tuần hoàn, hệ thống đo lường điều khiển và các hệ thống bảo vệ môi trường của tổ máy: ESP, FGD, ống khói đã hoàn thành thi công đúng theo thiết kế được phê duyệt và theo quy định của hợp đồng. 

Nhà thầu đã thiết lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp theo quy định. Tổng thầu EPC và các nhà thầu phụ tham gia thực hiện dự án đã được xem xét, đánh giá và chấp thuận theo quy định hiện hành. Chủ đầu tư EVN kiến nghị Hội đồng chấp thuận các điều kiện cấp PAC đối với tổ máy thứ hai và nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4. 

Nhận định của Tổ chuyên gia Hội đồng cho thấy, đến thời điểm kiểm tra, các tổ máy và toàn bộ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã hoàn thành công tác thi công lắp đặt và nghiệm thu chạy thử theo quy định hiện hành. Cả hai tổ máy đang vận hành với các thông số gần với định mức. 

Tổ máy thứ hai và toàn bộ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã được thiết kế thi công xây lắp đúng với thiết kế và tiêu chuẩn được phê duyệt. Công tác kiểm tra, nghiệm thu kỹ thuật tổ máy và tất cả các hệ thống thiết bị phụ trợ đã hoàn thành theo đúng quy định hiện hành. Tổ máy thứ hai đã vượt qua toàn bộ quy trình thử nghiệm theo quy định (chạy thử thách 72 giờ, chạy tin cậy 30 ngày, sa thải phụ tải 40%, 50%, 75% và 100%). Công tác thử nghiệm thông số bảo hành đã thực hiện đúng quy trình, kết quả đạt và vượt các chỉ tiêu bảo hành theo hợp đồng EPC đã ký kết. 

Tại buổi làm việc, các ý kiến nhận định của đại diện đơn vị Tư vấn giám sát, Tổng thầu EPC, Bộ Công Thương, Tổ chuyên gia Hội đồng và Cơ quan Thường trực Hội đồng cho thấy, các hạng mục công trình Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đã hoàn thành đảm bảo thiết kế, thi công xây lắp theo các tiêu chuẩn được phê duyệt. 

Về phía địa phương, ông Lương Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đánh giá, Trung tâm điện lực Vĩnh Tân có tác động lớn đến kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, Ban quản lý dự án cần đảm bảo tốt vấn đề bảo vệ môi trường, bãi xỉ thải, tăng cường trồng cây xanh quanh dự án… 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng - Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư EVN và các nhà thầu đã hoàn thành Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 cơ bản đáp ứng yêu cầu thiết kế đặt ra. EVN ngày càng khẳng định vị thế của mình qua các công trình nhiệt điện, từ hệ thống an toàn đến công nghệ sử dụng ngày càng tốt hơn. 

Trên cơ sở ý kiến các bên và nhận định qua các thông số kỹ thuật, điều kiện pháp lý, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhất trí ý kiến Hội đồng nghiệm thu cấp chủ đầu tư, chấp thuận nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng; đồng thời yêu cầu chủ đầu tư cần đảm bảo môi trường nhà máy theo đề nghị của địa phương. 

Khi đi vào hoạt động, hằng năm Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sẽ cung cấp cho hệ thống điện khoảng 7,2 tỷ kWh, góp phần tăng cường năng lực cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam; giảm phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô; giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam; giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho vận hành hệ thống điện.

Những con đường gây bức xúc giữa lòng Đà Nẵng

VTV.vn - Hơn 7 năm qua, người dân ở một con đường tại TP Đà Nẵng phải sống chung với cảnh mưa lầy nắng bụi, những ổ voi ổ trâu và nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập.