Đến nay, số người dám công khai câu chuyện liên quan đến xâm hại tình dục vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Những nhân vật trong PTL Không còn thời gian để im lặng nằm trong số ít những người đó. Chia sẻ của BTV Lê Hương (Trung tâm THVN tại TP Huế) sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về quá trình tác nghiệp gian nan của các Phóng viên).
Ý tưởng thực hiện bộ phim tài liệu Không còn thời gian để im lặng đến với tôi một cách rất tình cờ. Tôi được phân công thực hiện một số chuyên mục phát sóng trên kênh VTV1 và VTV8 có nội dung liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em hiện đang rất được dư luận quan tâm. Qúa trình thực hiện các chuyên mục tôi vô cùng kinh ngạc trước các số liệu thống kê về XHTD trẻ em.Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cứ 8 giờ trôi qua, tại Việt Nam lại có thêm một trẻ em bị XHTD. Thử hình dung xem, mỗi ngày, đâu đó lại có ba đứa trẻ bị xâm hại. Đằng sau con số đáng sợ ấy là hàng ngàn trẻ thơ chưa biết bao giờ mới tìm lại được nụ cười hồn nhiên, và cũng là chừng đó người cha, người mẹ đớn đau tìm cách dìu con đi qua "cơn bão" ập vào đời quá sớm.
Chị Lợi kiên trì gửi đơn đi khắp nơi để tìm lại công lý cho con
Tôi đã có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với những đứa trẻ là nạn nhân của các vụ XHTD. Và điều khiến tôi cảm thấy day dứt là hầu hết các em, thay vì được bảo vệ, được che chở thìcác em lại cảm thấy mình là người có tội; mang trong mình một nỗi ô nhục cần phải được che đậy, giấu kín. Gia đình các em, thay vì lên tiếng đấu tranh với cái ác, lại chọn cách im lặng. Nhiều nạn nhân còn phải bỏ xứ đi nơi khác vì sợ điều tiếng dư luận. Tuy nhiên, việc các nạn nhân chọn cách im lặng đó suy cho cùng, họ chỉ mua được sự bình yên chốc lát, sau cùng, họ vẫn phải trải qua một quá trình vật lộn lâu dài với những nỗi đau có thể nói là không thể nào hàn gắn. Kết quả là hầu hết các em đều mang trong mình những tổn thương vô cùng sâu sắc. Bị trầm cảm, thậm chí, tự tử và chết.
Chị Lợi tìm đến các luật sư để nhờ giúp đỡ
Tôi đã nghĩ đến việc thực hiện một bộ phim tài liệu dựa trên những câu chuyện có thật của những nạn nhân của các vụ XHTD trẻ em. Một bộ phim mà ở đó – nạn nhân được ngồi trước ống kính máy quay bình thản kể về nỗi đau của mình mà không phải che mặt! Họ không làm gì sai để phải núp mình sau ống kính máy quay; Họ cũng không làm gì có lỗi với ai để cứ phải ẩn danh khi nói về nỗi đau của chính mình. Tôi tin, đâu đó vẫn có những người muốn được công khai câu chuyện của họ.
Chuẩn bị máy móc thiết bị để ghi tiếng
Cái khó nhất của bộ phim là đi tìm nhân vật. Ai sẽ sẵn sàng lên tiếng công khai đây? May mắn, cơ duyên đã cho tôi được gặp gỡ với hai câu chuyện – hai nỗi đau có thể xem là điển hình nhất liên quan đến vấn đề XHTD trẻ em.
Ghi hình tại nhà chị Hữu Thị Lợi
Câu chuyện thứ nhất là về cô bé Hồ Mộng Kiều – 13 tuổi ở huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau – một nạn nhân của tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, đã tự tử và mất vào ngày 11/2/2017. Mẹ em là chị Hữu Thị Lợi vẫn đang trong hành trình đi tìm lại công lí cho con. Tôi biết đến câu chuyện và nỗi đau của gia đình chị Hữu Thị Lợi qua báo chí. Rồi thông qua Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh mà trực tiếp là nhóm 5 luật sư tham gia bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của mẹ con chị Lợi tôi đã ngỏ ý muốn mời chị Lợi tham gia trong bộ phim. Một người mẹ tuyệt vọng đến cùng cực trong chuỗi ngày đi tìm công lí cho con gái, chị đã ngay lập tức đồng ý cho việc quay hình, dù, mỗi lần trò chuyện với chị là mỗi lần "cày xới" trên nỗi đau mất con.
Ghi hình tại nhà chị Hữu Thị Lợi
Qúa trình tác nghiệp tại địa bàn huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau – nơi mà bé Kiều từng sống cùng ông bà ngoại, ekip cũng đã gặp không ít khó khăn. Vì đường đi vào nhà chị Lợi luôn phải đi qua nhà ông Hữu B…đối tượng tình nghi liên quan đến vụ xâm hại tình dục bé Hồ Mộng Kiều. Rất nhiều lần, gia đình ông Hữu B…tìm cách gây cản trở nhóm phóng viên, kể cả các luật sư bảo vệ cho mẹ con Chị Lợi. Họ dọa nạt, gây hấn, đòi đập máy quay…Thậm chí, khi chị Hữu Thị Lợi có đơn kêu cứu khẩn cấp gửi công an tỉnh Cà Mau thì thái độ hung hăng của những đối tượng này vẫn không hề thuyên giảm. 5 ngày quay tại huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau, ekip làm phim đã liên tục đối mặt với sự đe dọa của nhóm người lạ mặt. Có thể nói là, có những lúc chúng tôi thấy rõ họ không hề tôn trọng pháp luật. Công an đi bên cạnh nhưng họ vẫn thách thức và rất hung hăng. Nhiều hôm để đi vào được nhà chị Hữu Thị Lợi, ekip đã chọn cách đi đường vòng, để tránh sự gây hấn của những người được xem là "người nhà" của đối tượng tình nghi. Sự việc này cũng đã được phản ánh trên nhiều bài báo của nhiều cơ quan báo chí khác nhau. Mất nhiều thời gian và công sức, cuối cùng thì ekip mới hoàn thành những cảnh quay tại gia đình chị Hữu Thị Lợi.
Lê Vân từng giấu kín 19 năm việc em từng bị xâm hại tình dục
Câu chuyện thứ hai là câu chuyện của cô gái có tên là Lê Vân, hiện đang sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Từ năm 8 tuổi, Vân bị xâm hại lần đầu tiên bởi người làm vườn trong gia đình. Sau đó, hắn còn tiếp tục cưỡng hiếp Vân nhiều lần. Sau này, Vân còn bị nhiều người, người quen có, người lạ có xâm hại nhưng cô không dám lên tiếng vì sợ bố mẹ không chịu đựng được cú sốc, sợ mọi người xì xào về gia đình... cùng đủ nỗi sợ hãi không nói được thành lời. Năm nay Vân 27 tuổi, 19 năm trời cô ôm bí mật kinh hoàng đó không nói với bất kì ai. Mới đây, trước làn sóng dư luận phẫn nộ về tội ác XHTD trẻ em cùng với sự động viên của mọi người xung quanh, Vân đã quyết định không thể tiếp tục im lặng.Vân quyết định như vậy bởi hai lí do: Trước hết, Vân muốn truyền đi thông điệp về nỗi đau của những nạn nhân bị XHTD. Và sau nữa, Vân lo sợ, biết đâu, cô không còn cơ hội để làm một điều gì đó có ích cho cuộc đời.
Lê Vân từng giấu kín 19 năm việc em từng bị xâm hại tình dục
Không phải là duy nhất nhưng Lê Vân hay mẹ con chị Hữu Thị Lợi - những nhân vật trong bộ phim tài liệu này nằm trong số ít những người dám công khai câu chuyện được xem là nhạy cảm, khó nói. Vì vậy, qua bộ phim tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, họ đáng được trân trọng, theo cách mà họ đối diện với nỗi đau, làm bạn với nỗi đau và đang cố gắng vượt qua nỗi đau của chính mình!Chúng tôi cũng hi vọng, những câu chuyện được chia sẻ từ bộ phim sẽ như một cái nắm tay đầy thiện chí dành cho tất cả những nạn nhân của các vụ XHTD. Hãy hiểu rằng, nếu lỡ như các em bị như vậy thì không có nghĩa mọi chuyện kết thúc. Dù khó khăn, nhưng hãy cùng nhau lên tiếng. Bởi nếu như còn chậm trễ ngày nào thì những câu chuyện thương tâm như thế này sẽ vẫn còn tiếp diễn.