TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Khánh Hòa: Khẩn trương hỗ trợ người dân xây dựng lại nhà bị sập do bão số 12

TTXVNCập nhật 18:57 ngày 06/12/2017

VTV.vn - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh vừa yêu cầu các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương cần chú trọng hỗ trợ những hộ bị sập nhà do bão số 12.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh vừa yêu cầu các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương cần chú trọng hỗ trợ những hộ bị sập nhà do bão số 12 có điều kiện xây dựng lại nhà, đảm bảo đến Tết Nguyên đán 2018 không để hộ nào không có nhà ở. Trong quá trình xây dựng lại nhà ở, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn người dân làm nhà đúng kỹ thuật để chống chịu được khi có bão. 

Tỉnh Khánh Hòa có hơn 2.800 nhà bị sập hoàn toàn do bão số 12, tập trung chủ yếu ở thành phố Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và các huyện: Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Vạn Ninh. Từ sau bão đến nay, người dân cùng chính quyền các địa phương đã và đang bắt tay xây dựng lại nhà ở. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng lại nhà ở cho những hộ có nhà bị sập do bão số 12 đang bị chậm do nhiều nguyên nhân. 

Ông Trần Kim Bảo, Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, trên địa bàn có 633 nhà bị sập hoàn toàn, địa phương đang khẩn trương hỗ trợ người dân xây dựng lại nhà ở, phấn đấu đến Tết Nguyên đán hoàn thành. Tuy nhiên, thời gian qua do có mưa liên tục, vật liệu xây dựng thiếu và tăng giá, công thợ xây dựng cao... khiến việc xây dựng nhà gặp nhiều khó khăn. 

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã ban hành chính sách ưu tiên hỗ trợ hơn 900 hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và gia đình chính sách có nhà bị sập với mức 40 triệu đồng/hộ, trong đó 20 triệu đồng từ nguồn ngân sách, 20 triệu đồng còn lại từ Quỹ Cứu trợ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Các đối tượng khác có nhà bị sập được hỗ trợ từ 11 - 30 triệu đồng/hộ. Đối với trên 115.500 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, ngay sau bão các đơn vị quân đội đã điều hàng chục nghìn lượt chiến sỹ về các địa phương phối hợp với các lực lượng, hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa. 

Bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa đã khiến 44 người chết, 1 người mất tích, 229 người bị thương; 300 trường học và 45 cơ sở y tế bị hư hỏng; trên 36.000 ha cây trồng bị ngập và hư hại; hơn 1.600 tàu thuyền, 35.700 lồng nuôi thủy sản bị chìm, hư hỏng. Bên cạnh đó, nhiều công trình, hệ thống điện, cơ sở sản xuất cũng bị hư hỏng... với tổng thiệt hại ước tính trên 14.700 tỷ đồng.