Canh tác lúa nước là truyền thống từ nghìn đời nay của dân tộc ta. Thế nhưng, tại một số địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, vì nhiều lý do khác nhau như phương thức, điều kiện canh tác khiến họ chưa thể tiếp cận được với công việc này. Được Trung ương đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu các địa phương cơ sở đã từng bước làm thay đổi phương thức canh tác cho bà con với mong muốn đem lại một cuộc sống no đủ hơn.
Công trình đại thủy nông Ia Mơ hoàn thành đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số dọc tuyến biên giới của huyện Chư Prông. Tại xã Ia Mơ, ngay từ khi công trình chưa hoàn thành, cả hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là các chốt bộ đội biên phòng tại các địa bàn trực tiếp hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cho bà con cách làm lúa nước. Với phương châm, nơi nào dễ làm trước, khó làm sau, vừa làm vừa hướng dẫn cho bà con, đến nay Ia Mơ đã có trên 100 ha lúa nước 2 vụ.
Để phát huy hiệu quả cho công trình thủy lợi Ia Mơ cần phải đẩy nhanh phát triển diện tích trồng lúa nước. Theo tính toán, thung lũng Ia Mơ có khả năng phát triển từ 3 đến 4 nghìn ha lúa nước, trong khi diện tích hiện tại còn rất thấp. Huyện Chư Prông đang huy động mọi nguồn lực để có thể mở rộng diện tích lúa nước cho bà con người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đây được xem là cơ hội đổi đời cho người dân tại vùng biên giới xa xôi này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!