TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Giải pháp nào cho liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Vĩnh yên, Xuân Hoà, Duy Hiệp (VTV8)Cập nhật 20:31 ngày 08/05/2018

VTV.vn - Các Khu kinh tế và Khu công nghiệp trong toàn khu vực miền Trung chưa tạo được bước đột phá phát triển công nghiệp do thiếu tính liên kết.

"Liên kết" là yếu tố quan trọng tạo sự thúc đẩy phát triển trong nhiều lĩnh vực khi đề cập đến sự phát triển chung của miền Trung. Trong đó, sự kết nối các khu kinh tế (KKT) và khu công nghiệp (KCN) được xem là yếu tố tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, đây chưa phải là điểm mạnh trong hoạt động 10 năm qua của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung bao gồm 5 tỉnh, thành: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Tại 4 khu kinh tế, trong khi Chu Lai, Dung Quất và Nhơn Hội đang có sức thu hút nhà đầu tư khu công nghiệp tốt thì Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô vẫn chưa có khu công nghiệp nào. Điều này cho thấy sự thiếu bền vững trong tạo sức bật chung cho lĩnh vực công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Để xóa bỏ sự vắng vẻ của khu vực đầu tư công nghiệp tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đòi hỏi một chính sách nhất quán và có tính chất điều phối của Chính phủ và Hội đồng Vùng trong kêu gọi đầu tư vào Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Tại hội nghị liên kết phát triển các khu kinh tế và khu công nghiệp tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vừa diễn ra tại thành phố Huế, Ban điều hành Hội đồng vùng đã thẳng thắn nhìn nhận "các KKT, KCN vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa tạo đột phá trong phát triển công nghiệp vì phần lớn thu hút các ngành thâm dụng lao động, sử dụng nhiều nhiên liệu, năng lượng, ít công nghệ cao làm cho chất lượng, tốc độ phát triển các KKT, KCN của vùng không cao". 

Cả 5 địa phương Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đều có sự tương đồng về thế mạnh hạ tầng các khu kinh tế, như đều giáp biển và đều có cảng biển. Những khó khăn và hạn chế cũng giống nhau. Vì vậy mỗi một địa phương trong vùng cần xác định một lợi thế trọng điểm thì cả vùng mới trở thành trọng điểm.

Để có sự liên kết phát triển các khu kinh tế trong vùng, cần phải có những sự hy sinh nhất định của từng địa phương. Cùng với đó, Chính phủ cũng cần phải cởi bỏ áp lực tăng trưởng của từng địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhằm xóa bỏ tình trạng thu hút đầu tư bằng mọi giá. Bù lại phải xây dựng một môi trường kinh doanh tốt để chọn lọc nhà đầu tư lớn, đẳng cấp, đem lại sự phát triển bền vững cho toàn vùng miền Trung. Chính vì vậy, những kiến nghị cải tiến chính sách và cơ chế cho Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là hết sức cần thiết.

Thay đổi tư duy thu hút đầu tư, chuyển từ hình thức "địa phương chọn nhà đầu tư" sang "tạo điều kiện cho nhà đầu tư chọn địa phương". Cởi bỏ áp lực tăng trưởng của từng địa phương, hy sinh lợi ích của địa phương vì sự phát triển bền vững, có tính thống nhất trong Vùng kinh tế trọng điểm. Sự điều chỉnh của các Bộ ngành trung ương trong nhìn nhận đầu tư đối với toàn vùng nhằm giảm thiểu sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp. Đó chính là những yếu tố sẽ tạo nên sức bật mới, đột phá cho phát triển công nghiệp – những kết quả cụ thể của sự liên kết nhằm nâng tầm phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thay vì cạnh tranh triệt tiêu thế mạnh của nhau như lâu nay.

Hàng trăm công trình cấp nước miền núi hư hỏng, lãng phí

VTV.vn- Tại 11 huyện miền núi của Tahnh Hóa có 554 công trình cấp nước nông thôn tập trung, trong đó có 189 công trình cấp nước bị hư hỏng hoàn toàn, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư.