Việc giá đỗ ngâm hoá chất tại tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa hết nóng, nhất là trước, trong và sau Tết, người tiêu dùng rất quan tâm với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều đáng nói trong vụ việc này là cơ quan chức năng phát hiện có một siêu thị nhập sản phẩm nhiễm độc hại này về bán cho người tiêu dùng mỗi ngày. Điều đó khiến rất nhiều người hoang mang và hoài nghi: Dựa vào đâu để tin thực phẩm được bán trong các siêu thị là không hóa chất? Kẽ hở nào khiến thực phẩm chứa hoá chất tuồn vào siêu thị? Làm gì để bảo vệ người tiêu dùng?
Mới đây, ngay trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ, hơn 20,3 tấn giá đỗ ngâm chất cấm và 135 lít chất cấm được Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện, bắt khởi tố 4 bị can. Chất cấm này là chất kích thích tăng trưởng tế bào, hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh; ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong. Thế nhưng, nhóm này vẫn thường xuyên dùng nó để pha vào nước ngâm ủ làm giá đỗ, với mục đích cho thân cây giá to, mập, tăng trọng lượng và có hình thức đẹp. Trung bình mỗi ngày nhóm này bán khoảng 8 đến 10 tấn giá đỗ. Trong đó, cơ sở sản xuất Lâm Đạo (ở thành phố Buôn Ma Thuột) còn ký hợp đồng bán cho siêu thị Bách Hóa Xanh từ 350 - 400kg giá đỗ/1ngày và trên bao bì gói thứ giá đỗ này, lại được các đối tượng dán lên những nhãn mác "Vì sức khỏe của mọi người", "không hóa chất", "không chất kích thích", "không chất bảo quản", lừa dối người tiêu dùng.
Ngay khi nhận thông tin từ cơ quan chức năng, siêu thị Bách hoá Xanh đã thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp Lâm Đạo cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi, và khẳng định, sản phẩm được nhập tại chuỗi đều phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan.
Nhiều người tiêu dùng lại đặt câu hỏi, hóa ra hàng trăm tấn giá đỗ độc hại bị bị công an phát hiện ấy đều có đủ giấy tờ hợp pháp? Người tiêu dùng cứ mua ăn mà không biết. Siêu thị cũng cứ bán cả năm mà không biết, chỉ đến khi công an kiểm tra, phát hiện thì mới thông báo thu hồi. Nhưng chất độc đã đi vào cơ thể biết bao người thì thu hồi như thế nào? Mặc dù cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án và đang điều tra làm rõ. Nhưng người tiêu dùng vẫn chưa thể hết băn khoăn về chất lượng thực phẩm tại siêu thị.
Sản xuất, kinh doanh thực phẩm là ngành nghề có điều kiện, sản phẩm được nhập tại các chuỗi siêu thị đều phải cung cấp đầy đủ các giấy tờ pháp lý, như: Giấy phép kinh doanh, giấy vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy kiểm nghiệm công bố theo tiêu chí quảng cáo, các giấy phép liên quan, v.v... theo quy định cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng ngày càng thông thái hơn trong việc chọn lựa thực phẩm cho gia đình, nhưng rõ ràng, dù thông thái đến đâu, họ vẫn đang cần được bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ.
Các cơ quan chức năng cũng thừa nhận rằng, đội ngũ nhân lực làm công tác quản lý an toàn thực phẩm còn rất thiếu, đặc biệt là tuyến huyện và xã, lực lượng làm công tác này của ngành nông nghiệp và công thương đa số là kiêm nhiệm. Đó là chưa kể quy định pháp luật về quản lý, phân cấp phân quyền và xử phạt trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm còn chồng chéo, bất cập nên tạo lỗ hổng khiến vẫn có các cơ sở lén lút sản xuất thực phẩm có hại người tiêu dùng. Điều đó đòi hỏi cần có cơ chế rõ ràng hơn để cơ quan chức năng dễ dàng quản lý và xử lý những vấn đề phát sinh. Và mức phạt của pháp luật phải thật nặng, nếu không thể trông chờ vào lương tâm của người sản xuất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!