239 ngư dân bị cáo buộc vi phạm vùng biển chủ quyền của nước ngoài khi khai thác hải sản chỉ là một phần của thực tế hiện nay. Ngư dân miền Trung nói riêng và cả nước nói chung đã bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ với cáo buộc khai thác thủy sản trái phép. Hậu quả, không chỉ ngư dân phải chịu thiệt hại kinh tế mà mới đây Liên minh châu Âu "rút thẻ vàng" trong thời hạn 6 tháng với mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Làm sao Liên minh châu Âu rút lại thẻ vàng. Một trong những giải pháp cần phải triển khai ngay đó là phải ngăn chặn tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển đánh bắt. Để làm được công việc này, đòi hỏi phải đào tạo, nâng cao kiến thức cho ngư dân.
Ông Nguyễn Tử Cương (Trưởng Ban phát triển thủy sản bền vững Hội nghề cá Việt Nam) cho rằng: Cần phải đào tạo lực lượng lao động và có chính sách đào tạo miễn phí để nâng hiệu quả đánh bắt. Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động khai thác thủy hải sản, vấn đề còn lại là làm sao trước khi vươn khơi, mỗi ngư dân có mặt trên từng con tàu phải nhuần nhuyễn về kỹ năng và nắm vững pháp luật chủ quyền khai thác hải sản. Tại Đại học Nha Trang - những lớp đào tạo lao động biển theo một cách chuyên nghiệp đã được triển khai.
Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ đã đặt nền tảng cơ bản để nâng cao hiệu quả đánh bắt, phát triển ngành khai thác thủy sản chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp về kỹ năng đánh bắt và nắm chắc pháp luật hàng hải, về chủ quyền biên giới biển. Cùng với ý thức quân thủ pháp luật của từng ngư dân, việc nâng cao kiến thức, đào tạo những ngư dân chuyên nghiệp sẽ là nền tảng để kinh tế biển phát triển bền vững.