TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Đắk Nông: Vỏ rừng - ruột rẫy

Đức Hiếu, Quang HưngCập nhật 19:54 ngày 21/12/2022

VTV.vn-Ở Tây Nguyên, việc lấn chiếm, mua bán trái phép đất rừng vẫn đang diễn ra hàng ngày, tạo nên các điểm nóng về an ninh trật tự. Đây là nội dung được phản ánh trong Tiêu điểm:

Những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng, nhưng Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm và tranh chấp đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật. Mỗi năm vùng Tây Nguyên suy giảm hằng chục nghìn héc-ta rừng. Diện tích rừng trồng và khoanh nuôi tái sinh, khôi phục không bù đắp đủ số diện tích rừng tự nhiên bị phá mới, dẫn tới mục tiêu về nâng độ che phủ rừng của các tỉnh Tây Nguyên không đạt kế hoạch. Những tháng đầu năm 2022, khu vực này liên tiếp xảy ra các vụ khai thác lâm sản, phá rừng có tổ chức, quy mô lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng và tác động tiêu cực đến an ninh trật tự địa phương.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2010, toàn vùng Tây Nguyên có hơn 2 triệu 500 ngàn ha rừng tự nhiên, tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 52,39%. Đến năm 2020, diện tích rừng tự nhiên là khoảng 2 triệu 100 ngàn ha, tỷ lệ độ che phủ rừng 46,41%. Như vậy, trong vòng 10 năm, diện tích rừng tự nhiên vùng Tây Nguyên giảm hơn 411.000ha, bình quân mỗi năm giảm 41.000 ha. Trong đó, các tỉnh có tỷ lệ độ che phủ rừng thấp như Đắk Nông, Đắc Lắk.

Báo cáo mới đây của Chi cục Kiểm lâm vùng IV, trong năm 2021, rừng tự nhiên vùng Tây Nguyên tiếp tục giảm hơn 12 nghìn héc-ta. Đáng nói, không chỉ giảm về diện tích mà rừng Tây Nguyên còn suy giảm về trữ lượng. Đến thời điểm hiện nay, hơn 70% diện tích rừng tự nhiên ở khu vực này là rừng nghèo kiệt; rừng trung bình và rừng giàu chỉ còn gần 30%, tập trung ở các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đầu nguồn.

Ngoài việc lấy gỗ, mục đích chính của các đối tượng hủy hoại rừng là lấy đất sản xuất, phát triển cây công nghiệp. Những cánh rừng tự nhiên liên tục bị người dân thiêu rụi… với số diện tích lớn. Dù ngành chức năng của các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp, tuy nhiên tình trạng đốt, phá rừng làm nương rẫy của người dân vẫn tiếp diễn, chưa có dấu hiệu giảm.

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 39 doanh nghiệp, dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp được UBND tỉnh cho thuê đất, với diện tích trên 30.000ha. Bên cạnh để mất rừng, việc sang nhượng, mua bán trái phép đất rừng tại các dự án sản xuất nông lâm nghiệp này còn gây ra các vụ tranh chấp, xung đột diễn ra trong thời gian qua. Sự việc không chỉ gây mất an ninh trật tự tại địa phương mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nghĩa tình mái ấm quân dân nơi biên giới

VTV.vn- Năm qua, BĐBP tỉnh Đắk Nông đã xây dựng, bàn giao hàng trăm căn nhà tình nghĩa, nhà đồng đội và nhà đại đoàn kết cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn vùng biên giới.