TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Đà Nẵng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương

VTV8Cập nhật 09:09 ngày 23/09/2024

VTV.vn - TP Đà Nẵng đã chuyển sang một giai đoạn mới trong cải cách hành chính đó là gắn cải cách hành chính với chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh.

Cải cách hành chính để nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy nhà nước, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, hạn chế tiêu cực. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được triển khai sâu rộng, khắc phục những hạn chế vốn tồn tại trong hệ thống cơ quan công quyền. Đà Nẵng - địa phương được biết đến luôn có nhiều đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trên nhiều lĩnh vực.

Không tự nhiên mà Đà Nẵng luôn đứng đầu bảng về các chỉ số về cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh. Hơn 10 năm trước, Thành ủy Đà Nẵng ban hành chỈ thị 29 nhằm tăng cường công tác cải cách hành chính. Trên cơ sở đó, 3 cấp từ thành phố đến quận/ huyện, phường/xã đều tập trung cải cách hành chính, tinh giản thủ tục, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin và đến nay, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 và kết nối liên thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Phóng sự sau sẽ phản ảnh về điểm sáng trong công tác cải cách hành chính tại thành phố bên sông Hàn này.

Không chỉ các phường trung tâm thành phố mà ngay những phường ở ngoại ô, nhiệm vụ cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số được thực hiện sâu rộng. Phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ vừa thống kê, gần 100% số hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến và đã được số hóa. Liên thông hồ sơ điện tử hai nhóm thủ tục hành chính theo đề án 06 của Chính phủ. Để đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, cán bộ là nhân tố quan trọng hàng đầu.

Không chỉ triển khai trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính được triển khai sâu rộng tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Trung tâm y tế quận Ngũ Hành Sơn là đơn vị đầu tiên của thành phố Đà Nẵng triển khai đổi giấy phép lái xe ô tô ngay sau khi khám sức khỏe tại đơn vị. Không chỉ số hóa bệnh án, bệnh nhân sẽ thanh toán viện phí qua mã QR code. Ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính đã giảm tiêu cực, tăng hiệu quả công việc.

Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ thủ tục hành chính một cửa 3 cấp từ thành phố đến phường xã. Hiện nay, hầu hết các thủ tục hành chính của các sở, ngành địa phương được triển khai mức độ toàn trình, một phần. Việc nhận và ban hành văn bản điện tử có ký số đã áp dụng rộng rãi và được kết nối liên thông 4 cấp; hoàn thành việc kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thành phố Đà Nẵng đã xác định, cải cách hành chính theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm và chủ đề của năm 2024 đó là: "Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội". Đây còn là tiền đề vững chắc để đầu năm 2025 này, thành phố Đà Nẵng triển khai chính quyền đô thị. Đà Nẵng sẽ là trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực, trong đó tập trung phát triển kinh tế số, chính quyền số và xã hội số./.

Sau thời gian gặp nhiều khó khăn, kinh tế thành phố Đà Nẵng bị chững lại. Nhiều cán bộ công chức sợ trách nhiệm khi đề xuất, tham mưu những vấn đề quan trọng. Trước thực tế trên, ngày 27-10-2023, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị số 34. Nội dung cốt lõi của chỉ thị này là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay. Một năm qua, cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ chỉ thị này với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Khi Chỉ thị 34 của Thành ủy có hiệu lực, tại các phường xã trên địa bàn thành phố, lãnh đạo đơn vị tổ chức họp để quán triệt nội dung chính mà chỉ thị yêu cầu. Theo đó, triển khai cam kết đẩy lùi tình trạng "né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn" trong thực thi công vụ. Cán bộ lãnh đạo phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ, củng cố niềm tin của nhân dân, vì nhân dân phục vụ.

Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ ra 12 biểu hiện của tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm không dám làm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức. Đặc biệt, thái độ thờ ơ, vô cảm trước những lo lắng của dân, tình trạng giải quyết hồ sơ, đơn thư của công dân thường xuyên trễ hẹn, gây bức xúc. Thậm chí, không ít cán bộ nẩy sinh tư tưởng: "làm ít sai ít, không làm không sai". Trên cơ sở những nguyên nhân này, Thành ủy Đà Nẵng cũng đã đưa ra 4 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng này và đưa ra những chế tài rất cụ thể.

Đà Nẵng đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, nhất là Nghị quyết 136 đã được Quốc hội thông qua. Đây là nền tảng vững chắc để Đà Nẵng triển khai chính quyền đô thị và thí điểm những cơ chế đặc thù. Theo đó, Đà Nẵng sẽ là trung tâm đổi mới sáng tạo, thành phố thông minh tạo xung lực phát triển cho cả khu vực. Vì vậy, yếu tố con người - cán bộ công chức lãnh đạo phải xốc lại tinh thần làm việc, không ngại khó, ngại khổ, đổi mới sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để đưa Đà Nẵng phát triển lên tầm cao mới./.

Từ chỉ thị 34 đến thực tiễn cuộc sống, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng xem công tác cán bộ là nhân tố then chốt nhất để phát triển kinh tế, phục vụ nhân dân. Theo đó, thành phố sẽ tạm đình chỉ công tác, chuyển đổi, bố trí công tác khi cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, thành phố Đà Nẵng cũng đang rà soát lại các quy chế làm việc, cơ chế nhận xét, tiêu chí đánh giá cán bộ, nhất là xây dựng lại bộ thủ tục hành chính và có quy chế để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung của thành phố. Với hàng loạt giải pháp mạnh, năm 2024, kinh tế Đà Nẵng đã có bước phục hồi, Đà Nẵng dần lấy được đà tăng trưởng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Đắk Lắk cần hoàn thiện lưới điện nông thôn

VTV.vn - Để có điện sinh hoạt hằng ngày, các hộ dân ở buôn Bhôk, xã Yang Tao, huyện Lắk, Đắk Lắk phải mạo hiểm nối đường dây điện từ trụ điện chính về nhà mình, gây mất an toàn.