TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Cảnh báo gia tăng sự cố y khoa ở Đắk Lắk

Đức Hiếu, Hoàng TuyềnCập nhật 17:14 ngày 08/07/2022

VTV.vn - Trong thời gian qua đã liên tiếp xảy ra các sự cố y khoa không mong muốn tại tỉnh Đắk Lắk do công tác quản lý khám chữa bệnh hơn là do biến chứng ở bệnh nhân.

Ngày 5/5, một bệnh nhi 10 tuổi được người nhà đưa tới Trung tâm y tế huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk thăm khám và được chẩn đoán viêm ruột thừa, phải làm phẫu thuật cắt bỏ. Ca phẫu thuật bắt đầu ngay sau đó và kéo dài hơn 1 tiếng. Lúc này, bệnh nhi có các biểu hiện người gồng lên, co giật, hôn mê và được chuyển liền lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị nhưng tình trạng sức khỏe không tiến triển. Đến trưa 7/5, gia đình đã đã chuyển xuống Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) điều trị. Sau gần 2 tháng hôn mê, bệnh nhi đã tử vong.

Còn tại Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột, ngày 24/6 bệnh nhi 4 tháng tuổi được nhập viện điều trị với triệu chứng viêm phổi nhẹ. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe có lúc đã ổn định. Nhưng đột ngột đến ngày 27/6 tiến triển của bệnh nhi xấu dần và mất cùng ngày. Cũng tại bệnh viện này, đầu tháng 5, một sản phụ sau khi sinh mổ thì bị gãy xương sườn. Đến nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến sự 2 cố trên.

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, sự cố y khoa không mong muốn là sự cố gây hậu quả sức khỏe thể chất cho người bệnh như mất khả năng tạm thời hoặc vĩnh viễn, kéo dài ngày nằm viện hoặc tử vong. Bệnh viện là một môi trường nguy cơ cao, nơi các sự cố y khoa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Dù đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa nhưng vẫn chưa thể kiểm soát hết sự cố, nhiều rủi ro có thể xảy ra trên người bệnh.

Sự cố y khoa có thể xảy ra ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình từ thăm khám, chẩn đoán, chăm sóc đến điều trị. Hơn thế nữa, bệnh viện là nơi các thầy thuốc thường xuyên bị áp lực công việc do tình trạng quá tải và áp lực về tâm lý, vì vậy, sự cố y khoa không mong muốn là điều khó tránh và trong nhiều trường hợp ngoài tầm kiểm soát.

Theo nhiều nghiên cứu thì tình trạng quá tải bệnh tải bệnh nhân trong khi thiếu bác sỹ chuyên môn, khiến một người phải đảm nhận nhiều ca bệnh, thêm vào đó là áp lực đối với các bác sỹ khi buộc phải ra những quyết định nhanh chóng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến người bệnh.

Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên là bệnh viện hạng 1, hiện có 1.400 giường bệnh. Theo quy định của Bộ Y tế, tỷ lệ nhân lực mỗi giường bệnh là từ 2 đến 2,5 người. Như vậy, đơn vị này cần khoảng 3.500 cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay chỉ mới có 1.390 người. Đáng nói, từ năm 2019 đến nay, đã có 63 người xin nghỉ việc.

Để bảo đảm nguồn nhân lực tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cũng như một số cơ sở y tế công lập khác, ngành y tế đang tiến hành triển khai công tác tuyển dụng, đồng thời liên kết với các bệnh viện lớn để đào tạo chuyên sâu, nâng cao chuyên môn cho các y bác sĩ hiện có.

Trong lúc nguồn nhân lực thiếu hụt, tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế khiến người bệnh phải tự bỏ tiền túi để mua thuốc từ bên ngoài hoặc phải chuyển viện nên không thể thực hiện được các kỹ thuật cần thiết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh và đời sống của người bệnh.

Sự cố là điều không mong muốn xảy ra, cả người bệnh và thầy thuốc đều là nạn nhân. Khi xảy ra sự cố dù nặng hay nhẹ, cơ sở y tế cần thẳng thắn nhìn nhận, dùng bằng chúng khoa học để giải quyết, xử lý tình huống. Đặc biệt không đổ lỗi dù khách quan hay chủ quan, đây được đánh giá là yếu tố tích cực góp phần giải quyết hiệu quả các sự cố y khoa xảy ra. Việc khắc phục và làm giảm thiểu sai sót, sự cố y khoa là một công việc khó khăn, lâu dài nên đòi hỏi cần có sự tham gia của toàn bộ hệ thống y tế, kể cả sự tham gia của người bệnh và cộng đồng trên toàn xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Khắc phục tình trạng ô nhiễm tại Cảng Chân Mây

VTV.vn-Các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiểm tra tình trạng nước biển đổi màu ở Cảng Chân Mây. Công ty Hào Hưng Huế xả thải ra biển Bình An đã có giải pháp khắc phục.