Các huyện miền núi Quảng Nam như Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn trong thời gian qua đã đồng loạt vận động, hướng dẫn người dân trồng cây dược liệu. Tính đến nay, địa phương này đã tạo dựng được trên 60 mô hình trồng dược liệu quy mô lớn, cho giá trị kinh tế cao, và trở thành cây chủ lực xóa đói giảm nghèo. Cũng tương tự như ở Tây Giang (Quảng Nam), tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum như Măng Ry, Ngọc Yêu, Đắk Na, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ nguồn giống để đồng bào Giẻ Triêng tạo dựng hàng trăm mô hình sâm Đương Quy rộng khắp đến từng thôn bản.
Để nhân rộng các vùng dược liệu tập trung, cái khó không phải là đầu ra cho sản phẩm, hay nguồn vốn, mà là giống các loại cây thuốc quý bản địa. Để khắc phục thực trạng này, các địa phương đã lập đề án, phối hợp với những trang trại dược liệu đang lưu giữ nguồn giống bản địa, qua đó cấp kinh phí bảo tồn, nhân rộng nguồn giống. Theo kế hoạch, giai đoạn 2018 – 2020 các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên sẽ liên kết, xây dựng những vùng dược liệu có quy mô lớn và các nhà máy chế biến sâu.