TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

Bệnh viện mắc nợ

Quang Tiến, Thiện Linh, Phúc Châu, Nguyễn HuânCập nhật 15:56 ngày 26/10/2024

VTV.vn-Lâm nợ do tự chủ tài chính - đó là thực trạng diễn ra tại rất nhiều bệnh viện trên cả nước sau khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. NÓNG CÙNG V8 hôm nay đề cập vấn đề này.

Thực tế kéo dài nhiều năm qua tại TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành khác nữa cho đến nay vẫn chưa có giải pháp nào cải thiện tình hình. Thực trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh, cũng như tâm lý làm việc của đội ngũ y bác sỹ.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, hiện có rất nhiều bệnh viện rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, phải gồng mình cõng các khoản nợ lên đến hàng chục tỷ đồng.

Tính từ năm 2017 đến nay, Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê, Hà Tĩnh đang nợ khoảng 20 tỷ đồng. Trong đó, nợ tiền thuốc, vật tư kéo dài từ 2019 đến nay là hơn 16 tỷ đồng; nợ tiền trực ca, phẫu thuật, thủ thuật của cán bộ hơn 2 tỷ đồng; nợ 1,8 tỷ đồng tiền công khám tại các trạm y tế xã trên địa bàn….

Còn tại Bệnh viện đa khoa TP Hà Tĩnh cũng đang nợ gần 20 tỷ đồng, trong đó nợ tiền thuốc, vật tư hơn 16,4 tỷ đồng, nợ tiền phẩu thuật, thủ thuật của y bác sỹ gần 3 tỷ đồng. Mọi hy vọng trả nợ của bệnh viện đang trông chờ vào số tiền 30 tỷ đồng mà phía bảo hiểm xã hội chưa chi trả do vượt tổng mức thanh toán.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nợ nần đang xảy ra với nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là do Bảo hiểm Xã hội chưa chi trả tiền vượt mức thanh toán cho các bệnh viện. Tính từ năm 2019 đến nay, tổng vượt mức thanh toán đã giám định nhưng không được quyết toán của toàn tỉnh Hà Tĩnh là gần 350 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, do lượng bệnh nhân sụt giảm nên khả năng trả nợ của các bệnh viên càng trở nên rất khó khăn, nhiều bệnh viện đã có văn bản xin tự chủ tài chính một phần. Sở Y tế Hà Tĩnh cũng đã có văn bản gửi Sở Tài chính đề nghị xem xét vấn đề tự chủ của bệnh viện và đang chờ UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định.

Hình thức tự chủ ra đời nhằm giúp các bệnh viện chủ động hơn trong sử dụng các nguồn tài chính, có quyền điều tiết các khoản thu chi hiệu quả, chủ động mở rộng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, từ đó cải thiện thu nhập nhân viên. Tuy nhiên, quá trình triển khai, các bệnh viện đang đứng trước rất nhiều khó khăn, bất cập do những vướng mắc về giá viện phí, chính sách tiền lương, cách thanh toán bảo hiểm y tế..., đặc biệt bộc lộ rõ sau dịch COVIDd-19 bùng phát, khi một số bệnh viện rơi vào tình cảnh càng làm càng thâm hụt, không đủ tiền chi lương, thưởng cho nhân viên.

Quảng Ngãi cũng là một trong những địa phương đã và đang gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai chủ trương tự chủ tài chính đối với các cơ sở y tế công lập. Trung tâm y tế Quân dân y kết hợp huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi… Mỗi ngày chỉ có thưa thớt vài người dân đến khám và chữa bệnh. Năm 2023, đơn vị này được cấp ngân sách hơn 10 tỷ đồng và được giao tự chủ 23-27%. Vậy nhưng, từ đầu năm đến nay, chỉ thu được khoảng 4 tỷ đồng từ hoạt động khám chữa bệnh. Bất cập lớn nhất hiện nay là giá thu viện phí chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí, gây hạn chế phát triển của bệnh viện này.

Một bất cập, khó khăn lớn khác là nguồn thu từ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thường bị chậm thanh, quyết toán. Điều này dẫn đến công nợ với các công ty cung ứng thuốc, vật tư y tế, hóa chất, trang thiết bị... kéo dài, càng gây nhiều khó khăn trong mua sắm phục vụ bệnh nhân.

Bên cạnh đó, hiện chi phí lương mới tính cho bộ phận trực tiếp là bác sĩ, điều dưỡng, còn bộ phận gián tiếp để cả bệnh viện hoạt động chưa được tính. Chi phí điện nước cũng chỉ tính phần phục vụ trực tiếp kỹ thuật khám chữa bệnh còn điện nước vận hành toàn bộ bệnh viện cũng không được tính vào, gây ra khó khăn cho các bệnh viện.

Hiện nay, việc sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp cũng rất khó khăn. Đây là phần chênh lệch thu chi bệnh viện trích ra để tự đầu tư phát triển, nhưng được xem như nguồn ngân sách. Do đó, bệnh viện muốn đầu tư phải xây dựng đề án, chờ đợi phê duyệt rất lâu, dẫn đến không bắt kịp được kế hoạch phát triển.

Giải pháp trước mắt, nhiều bệnh viện đang kiến nghị Bộ Y tế điều chỉnh cách tính tổng mức thanh toán khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, sớm tính đúng tính đủ chi phí khám chữa bệnh, giải quyết nhanh kinh phí cho các bệnh viện. Nhưng thực tế cũng đặt ra vấn đề cần thiết phải thành lập cơ quan, đơn vị độc lập trực thuộc Bộ để thẩm định chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; ban hành cơ chế thống nhất trong việc thực hiện, thẩm tra công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; mở rộng đối tượng hưởng chế độ thu nhập tăng thêm đối với người lao động trong cơ sở y tế và ngân sách cấp bù phần thiếu hụt khi đơn vị cân đối chưa đủ và nhiều vướng mắc có liên quan khác. Có như thế mới hi vọng giải quyết phần nào cảnh càng hoạt động, thâm hụt tài chính càng lớn tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế công lập như hiện nay tại nhiều địa phương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Không được hỗ trợ tiền ăn, nhiều bệnh nhân nghèo gặp khó khăn

VTV.vn - Việc Bộ Tài chính đề nghị các địa phương dừng cấp kinh phí hỗ trợ tiền ăn đang ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.