TV& VIDEO
  • vtv Cần Thơ

"Bảo kê" người nước ngoài làm việc tại các trung tâm ngoại ngữ

Tùng Lâm, Quang Anh, Duy TâmCập nhật 17:11 ngày 13/12/2023

VTV.vn - Công an Thanh Hóa khởi tố, bắt tạm giam nhiều đối tượng làm giả hồ sơ, tổ chức cho người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép, để dạy tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ.

Liên quan đến vụ án hình sự làm giả hồ sơ, tổ chức cho người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép, để dạy Tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa vừa khởi tố thêm 2 bị can là các giám đốc của 2 công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Trước đó, tháng 9/2023, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lê Thị Hồng Vân là Giám đốc của 1 trung tâm ngoại ngữ về hành vi "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" và "Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép". Được biết, đây là thủ đoạn hoạt động mới, rất khó phát hiện và gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xác minh.

Tại cơ quan Công an, Lê Thị Hồng Vân, đối tượng cầm đầu trong vụ án làm giả hồ sơ, "bảo kê" lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam khai nhận: Từ 2021 đến tháng 3/2023, Lê Thị Hồng Vân đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng các phần mềm chỉnh sửa, ghép ảnh trên máy tính để làm giả 65 tài liệu cho lao động người nước ngoài. Sau đó, sử dụng pháp nhân của 4 công ty để làm thủ tục mời, bảo lãnh, đề nghị cấp giấy phép lao động và cấp thẻ tạm trú cho 30 người nước ngoài nhập cảnh và ở lại Việt Nam trái phép.

Để có thể mời, bảo lãnh, Lê Thị Hồng Vân đã lập hồ sơ giải trình khống hoạt động của 4 công ty lên gấp nhiều lần so với thực tế. Vân đã chỉ đạo nhân viên làm giả tài liệu, sau đó chuyển cho các đối tượng làm dịch vụ ở Hà Nội để dịch thuật và công chức hoàn thiện hồ sơ. Những hồ sơ này được nộp, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép lao động và thẻ tạm trú cho người nước ngoài. Với thủ đoạn này, đến nay, Vân đã bảo lãnh cho gần 200 người nước ngoài lao động trái phép tại Việt Nam.

Mặc dù Sở LÐTB&XH Thanh Hoá khẳng định không vi phạm trong thực hiện quy trình cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, tuy nhiên, từ vụ án Lê Thị Hồng Vân có thể thấy quy trình này đã bộc lộ những “lỗ hổng” lớn, để các doanh nghiệp, tổ chức lợi dụng sơ hở để đưa nhiều người nước ngoài lao động trái phép tại Việt Nam, phải đến khi có cơ quan chức năng điều tra mới phát hiện. Trong khi đó, hoạt động hậu kiểm, công tác thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều thiếu sót, văn bản quy phạm pháp luật còn chưa chặt chẽ, để các tổ chức, cá nhân lách luật để trục lợi. Thực trạng này đòi hỏi các ngành chức năng phải tăng cường kiểm tra, rà soát chặt chẽ hoạt động các trung tâm, bảo đảm quyền lợi cho người dân và sự cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!