Ngày 16/11/2019 đánh dấu 25 năm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) có hiệu lực và cũng đánh dấu chặng đường 25 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Công ước này. Nhân dịp này, VTV News xin giới thiệu bài viết của TS. Lê Thị Tuyết Mai, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Bộ Ngoại giao, Ủy viên Ban chấp hành Hội luật quốc tế Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao về những đóng góp của UNCLOS đối với hòa bình, an ninh và trật tự trên biển và những nỗ lực của Việt Nam trong thực thi UNCLOS thời gian qua cũng như trong thời gian tới.
I. UNCLOS là "Hiến pháp về biển và đại dương", đóng vai trò quan trọng cho việc thiết lập trật tự trên biển dựa trên luật lệ, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực và trên thế giới
1. Ngày 10/12/1982 tại Montego Bay, Jamaica, Hội nghị lần thứ ba của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển đã thông qua UNCLOS sau 9 năm thương thảo giữa hơn 160 quốc gia, vượt qua nhiều bất đồng về quan điểm và lợi ích để đạt tới đồng thuận chung. Với nội dung toàn diện, điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương, UNCLOS được xem là "Hiến pháp về biển và đại dương", là cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động sử dụng biển, đại dương và tài nguyên biển, xử lý hài hòa lợi ích của tất cả các quốc gia, dù là quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo hay quốc gia không có biển.
2. Với tính chất toàn diện và xử lý hài hòa lợi ích của tất cả các quốc gia, UNCLOS là thành tựu pháp lý quan trọng của cộng đồng quốc tế, chỉ đứng sau Hiến chương LHQ, đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn hòa bình, công lý và tiến bộ cho tất cả các dân tộc trên thế giới, với mục tiêu giải quyết mọi vấn đề liên quan đến luật biển. Giá trị của UNCLOS thể hiện ở những điểm chính sau:
Thứ nhất, UNCLOS và hai Hiệp định thực thi UNCLOS (gồm Hiệp định năm 1994 về thực hiện Phần XI của UNCLOS, Hiệp định năm 1995 về thực thi các quy định của UNCLOS về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa) cung cấp khuôn khổ pháp lý toàn diện cho các quốc gia xử lý tất cả các vấn đề trên biển, thiết lập lần đầu tiên một trật tự pháp lý công bằng trên biển (gồm các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia và vùng biển quốc tế), cân bằng giữa lợi ích của quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo, và các quốc gia không có biển hoặc bất lợi về địa lý, giữa các quốc gia đang phát triển và quốc gia phát triển, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia vì mục tiêu hòa bình và phát triển tiến bộ cho tất cả các dân tộc.
Thứ hai, UNCLOS giúp duy trì hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế thông qua các quy định rõ ràng về quy chế pháp lý của các vùng biển, giới hạn yêu sách của quốc gia ven biển đối với các vùng biển, đồng thời bảo đảm quyền tự do hàng hải và bay qua của các quốc gia khác, cũng như quyền của các quốc gia không có biển hoặc bất lợi về mặt địa lý trong việc sử dụng, khai thác và quản lý biển và đại dương.
Thứ ba, UNCLOS củng cố nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế với các quy định về nghĩa vụ sử dụng biển và nguồn lợi biển một cách hòa bình và cơ chế mới hữu hiệu về giải quyết tranh chấp bắt buộc thông qua hòa giải, trọng tài quy định tại UNCLOS. Tòa trọng tài bắt buộc thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS đã góp phần giải quyết tranh chấp giải thích và áp dụng UNCLOS (giữa Nga và Ucraina và giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc). Hòa giải bắt buộc theo Phụ lục V của UNCLOS cũng đã được áp dụng thành công (giữa Đông Timo và Ô-xtơ-rây-li-a). Các vụ việc giải quyết tranh chấp trước Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS) được thành lập theo UNCLOS ngày càng đa dạng từ đánh cá, bảo vệ môi trường biển, đến phân định biển.
Thứ tư, UNCLOS thúc đẩy hợp tác quốc tế về biển thông qua các quy định về nghĩa vụ hợp tác giữa các quốc gia trong xử lý các vấn đề trên biển, như giải quyết các vùng biển chồng lấn yêu sách giữa các quốc gia, phòng chống tội phạm trên biển, bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, bảo tồn và sử dụng bền vững biển và tài nguyên biển, nhằm củng cố hòa bình, an ninh và phát triển tiến bộ của các dân tộc trên thế giới.
Cho tới nay, UNCLOS có 168 thành viên (gồm 167 quốc gia và Liên minh châu Âu) thuộc tất cả các khu vực, các hệ thống pháp luật và nền văn hóa khác nhau trên thế giới, không phân biệt trình độ phát triển và thể chế chính trị. Hầu hết các quy định của UNCLOS được thừa nhận là các quy tắc có tính phổ quát, điều chỉnh hành vi của mọi quốc gia trong sử dụng biển và tài nguyên biển. Sau 25 năm triển khai thực hiện, tại Hội nghị lần thứ 29 của các quốc gia thành viên UNCLOS, tháng 6/2019, Tổng thư ký LHQ António Guterres tiếp tục khẳng định UNCLOS là "khuôn khổ toàn diện cho việc sử dụng biển, đại dương và các nguồn tài nguyên biển một cách hòa bình, hợp tác và bền vững" và "nền tảng cho việc phát triển tiến bộ Luật Biển".
II. Việt Nam thực thi nghiêm túc và hiệu quả các quy định của UNCLOS để giải quyết các vấn đề liên quan đến biển
1. Ngày 10/12/1982, Việt Nam là một trong 107 nước đầu tiên ký chính thức UNCLOS. Quốc hội Việt Nam phê chuẩn UNCLOS ngày 23/6/1994 trước khi UNCLOS có hiệu lực. Ngày 16/11/1994 khi UNCLOS bắt đầu có hiệu lực cũng đồng thời là ngày UNCLOS bắt đầu có hiệu lực đối với Việt Nam. UNCLOS là cơ sở pháp lý quốc tế để Việt Nam xây dựng và hoàn thiện pháp luật, trong đó có xác định các vùng biển của Việt Nam, quản lý và sử dụng biển, giải quyết các vấn đề trên biển, triển khai các hoạt động trên biển, hợp tác quốc tế về biển .
2. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam về biển, đồng thời tổ chức thực thi pháp luật trên biển.
- Trên cơ sở phù hợp với UNCLOS, Luật Biên giới quốc gia năm 2003 có quy định về biên giới quốc gia trên biển, theo đó, biên giới quốc gia của Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của Việt Nam. Đặc biệt, Luật Biển Việt Nam năm 2012 quy định rõ và đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển, đảo của Việt Nam với đường bờ biển dài hơn 3200 km và hàng ngàn đảo lớn, nhỏ thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, luật hóa nhiều văn bản được ban hành trước đó liên quan đến xác định và quản lý các vùng biển, đảo của Việt Nam (trong đó có Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn UNCLOS). Để thực thi Luật Biển Việt Nam năm 2012, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật này liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của Việt Nam, vấn đề giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển…
- Luật Dầu khí năm 1993, được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật Dầu khí sửa đổi năm 2000 và Luật Dầu khí sửa đổi năm 2008, trong đó quy định về thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam. Điều 1 Luật Dầu khí năm 1993 quy định rõ: Toàn bộ tài nguyên dầu khí trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, nội thuỷ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước Việt Nam thống nhất quản lý.
- Quy định về môi trường biển, hải đảo và tài nguyên biển được hoàn thiện với việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015), và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng có liên quan.
- Về hàng hải, Bộ Luật Hàng hải năm 1990 đã được thay thế bằng Bộ Luật Hàng hải năm 2005 và tiếp đó được thay thế bằng Bộ Luật Hàng hải năm 2015. Bộ Luật này điều chỉnh các hoạt động giao thông hàng hải trên biển, chế độ ra vào các cảng biển Việt Nam, cùng với một số Nghị định của Chính phủ có liên quan.
- Về thủy sản, Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản do Hội đồng Nhà nước ban hành năm 1989 đã được thay thế bởi Luật Thủy sản năm 2003, và tiếp đó thay thế bằng Luật Thủy sản năm 2017. Luật này và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật thể hiện chính sách của Việt Nam chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), phát triển nghề cá có trách nhiệm và bền vững, phù hợp với UNCLOS và các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.
- Đồng thời các lực lượng thực thi pháp luật trên biển cũng được kiện toàn, thực hiện trách nhiệm thực thi pháp luật trên biển, trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định số 102/2012/NĐ-CP ngày 29/11/2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Kiểm ngư nay được thay thế bằng Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản năm 2017. Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam được thành lập và hoạt động theo Pháp lệnh Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, trong đó có quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Pháp lệnh về Bộ đội biên phòng năm 1997 quy định Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, các hải đảo, vùng biển và tại các cửa khẩu.
Như vậy, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biển được xây dựng, hoàn thiện đã cụ thể hóa chính sách, biện pháp thực thi các quy định tại UNCLOS. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo của Việt Nam và phát triển kinh tế biển, đảo. Đồng thời, các văn bản quy phạm pháp luật này của Việt Nam cũng thể hiện ý thức tôn trọng và thúc đẩy thực thi UNCLOS, vì hòa bình và ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
4. Bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thúc đẩy hợp tác giải quyết các vấn đề trên biển, phân định biển với các nước láng giềng. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là thượng tôn pháp luật, kiên trì giải quyết các bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Chủ trương này đã được tuyên bố trong Nghị quyết phê chuẩn và Văn kiện phê chuẩn UNCLOS của Việt Nam và tiếp tục được Nhà nước Việt Nam khẳng định tại khoản 3 Điều 4 Luật Biển Việt Nam. Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, Kiểm ngư cùng với Hải quân đã phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển trước các hoạt động của tàu thuyền xâm phạm các vùng biển của Việt Nam theo quy định của UNCLOS.
Trên cơ sở phù hợp với UNCLOS, Việt Nam tích cực cùng các nước tiến hành phân định ranh giới trên biển và hợp tác biển, đã ký kết Hiệp định với Thái Lan về phân định ranh giới trên biển trong Vịnh Thái Lan ngày 09/8/1997 (có hiệu lực kể từ ngày 27/02/1998); Hiệp định với Trung Quốc về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ ngày 25/12/2000 (có hiệu lực kể từ ngày 30/6/2004); Hiệp định với In-đô-nê-xi-a về phân định ranh giới thềm lục địa ngày 26/6/2003 (có hiệu lực kể từ ngày 29/5/2007). Hiện nay, Việt Nam đang tích cực trao đổi với Trung Quốc về phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, với In-đô-nê-xi-a về phân định vùng đặc quyền kinh tế. Việt Nam cũng tiến hành đàm phán, đối thoại với các quốc gia ven biển khác thúc đẩy hợp tác giải quyết các vấn đề trên biển.
5. Hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Việt Nam cũng đã tiến hành tuần tra chung song phương giữa Hải quân Việt Nam với Hải quân Hoàng gia Thái Lan, với Hải quân Cam-pu-chia. Hoạt động tuần tra chung ở vùng biển giáp ranh của hai nước đã góp phần giữ vững môi trường hòa bình, an ninh, trật tự trên vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam với Thái Lan và Cam-pu-chia, góp phần xây dựng lòng tin, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ thông tin để cùng nhau quản lý tốt vùng biển trong Vịnh Thái Lan. Trong lĩnh vực chống cướp biển, Việt Nam cùng với các nước khác ở châu Á tiến hành đàm phán, soạn thảo và ký Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang ở châu Á ngày 11/11/2004. Trên cơ sở Hiệp định này, Việt Nam đã và đang tăng cường hợp tác với các nước về chống cướp biển.
6. Thúc đẩy hợp tác quốc tế về biển. Việt Nam kiên trì chủ trương đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển dưới nhiều hình thức, xử lý tốt các vấn đề trên biển, tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. Việt Nam tham gia tích cực nhiều cơ chế hợp tác quốc tế về biển như Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO), Ủy ban Thủy đạc Đông Á, Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ (IOC) trực thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), Ủy ban Nghề cá Tây Trung Thái Bình Dương (WCPFC), Nhóm Công tác về Đại dương và Nghề cá (OWFG), Tổ chức đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA), Diễn đàn Biển ASEAN, Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng, Nhóm Công tác Nghề cá ASEAN; tích cực tham gia thảo luận, thúc đẩy hợp tác duy trì an ninh, an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn trên biển, chống khai thác IUU, bảo vệ môi trường biển, hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển trong khuôn khổ ASEAN và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu (ASEM); tích cực trao đổi nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác biển thông qua tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, các diễn đàn liên quan đến biển và đại dương như bảo vệ môi trường biển, hợp tác khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực, xây dựng năng lực…
Nội dung hợp tác quốc tế ngày càng phong phú và đi vào chiều sâu từ khai thác tài nguyên biển như dầu khí, thủy sản đến du lịch biển, đảo, vận tải biển và bảo tồn tài nguyên, môi trường biển, nghiên cứu khoa học - công nghệ biển. Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác về ODA để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, các công trình phòng chống thiên tai cho các xã vùng ven biển, tăng cường năng lực phòng tránh thiên tai, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu…
Trong lĩnh vực hợp tác cùng phát triển, Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi và triển khai hoạt động hợp tác với các nước tại Biển Đông trên cơ sở quy định của UNCLOS và các tiêu chí của Mục tiêu phát triển bền vững số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển thuộc Chương trình nghị sự 2030 của LHQ. Thực hiện chủ trương này, Việt Nam đã thiết lập cơ chế hợp tác cùng phát triển với một số nước ven Biển Đông như: hợp tác phát triển dầu khí ở khu vực thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và Ma-lai-xi-a được xác định phù hợp với UNCLOS (Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ ký ngày 5/6/1992); hợp tác nghề cá và dầu khí tại Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc trên cơ sở phân định ranh giới biển ở Vịnh Bắc Bộ giữa hai nước phù hợp với UNCLOS.
III. Việt Nam tôn trọng và yêu cầu các bên liên quan tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS trong giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông
1. Liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng và kiên trì yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, coi đây là cơ sở cho việc giải quyết một cách hòa bình các bất đồng, tranh chấp giữa các bên. Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN và giữa ASEAN với Trung Quốc, trong đó quan trọng nhất là Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông ngày 04/11/2002 (DOC) cũng như Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông ngày 20/7/2012. Cùng với triển khai DOC, Việt Nam tích cực cùng các nước ASEAN khác và Trung Quốc đàm phán xây dựng dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), trong đó Việt Nam và các nước thống nhất nguyên tắc COC phải trên cơ sở phù hợp với UNCLOS.
2. Công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, hỗ trợ ngư dân được Việt Nam đã và đang thực hiện có hiệu quả thông qua hợp tác với các nước, phù hợp với UNCLOS. Việt Nam đã trao đổi với các nước liên quan để tàu cá Việt Nam vào tránh trú bão trong vùng biển các nước và kịp thời tiến hành tìm kiếm, cứu nạn đối với ngư dân Việt Nam và ngư dân nước ngoài gặp nạn trên biển trên tinh thần nhân đạo. Để nâng cao hiệu quả của công tác này, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện bộ máy về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó có việc thành lập và kiện toàn tổ chức của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam.
3. Trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay, Việt Nam kiên trì quan điểm tôn trọng và tuân thủ đầy đủ UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không có những hành động diễn giải sai trái hay cố tình hạ thấp ý nghĩa, vai trò của UNCLOS. Bất cứ yêu sách nào về biển cũng phải được xây dựng trên cơ sở và trong phạm vi cho phép của UNCLOS. Khi có bất đồng hoặc khác biệt liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS, các bên liên quan cần giải quyết thông qua thương lượng hoặc các biện pháp hòa bình khác, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.
Trong khi chưa giải quyết được bất đồng, các bên cần tôn trọng và thực hiện đầy đủ DOC, kiềm chế, không thực hiện các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, đe dọa tới hòa bình và ổn định trong khu vực; tham gia đàm phán một cách thiện chí, xây dựng nhằm sớm đạt một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với các quy định của UNCLOS.
IV. Việt Nam vận dụng UNCLOS và các văn kiện pháp lý liên quan để xử lý các thách thức đang nổi lên trong quản trị biển và đại dương
1. Tinh thần chủ đạo của UNCLOS là quyền lợi quốc gia gắn liền với nghĩa vụ và trách nhiệm quốc gia phải tôn trọng quyền lợi ích chính đáng của quốc gia khác. UNCLOS hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới và nghiêm trọng so với thời điểm được thông qua năm 1982. Các thách thức trên biển không chỉ có những thách thức an ninh truyền thống như yêu sách biển chồng lấn, cướp biển, tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến biển mà còn có những thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó, đáng báo động là ô nhiễm môi trường biển, suy thoái hệ sinh thái biển do các hoạt động trên biển và trên đất liền gây ra, khai thác thủy sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU), biển đổi khí hậu; các vấn đề này ảnh hưởng trước tiên tới các nước có địa hình thấp và các cộng đồng ven biển, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, UNCLOS cũng đứng trước tình trạng diễn giải và vận dụng UNCLOS không thống nhất giữa các quốc gia, điều này làm hạ thấp giá trị và vai trò của UNCLOS mà điển hình là các diễn biến thời gian qua trên Biển Đông.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam luôn tôn trọng và thực thi đầy đủ các quy định của UNCLOS, đồng thời kêu gọi các nước tôn trọng và thực thi đầy đủ UNCLOS, coi đây là điều kiện tiên quyết để mỗi quốc gia có thể sử dụng công cụ pháp lý quan trọng này nhằm xử lý thỏa đáng các thách thức trên biển. Do UNCLOS không cho phép đưa ra bảo lưu nên các quốc gia thành viên phải thực hiện UNCLOS một cách đầy đủ mà không thể chỉ lựa chọn các quy định có lợi cho mình và bỏ qua các quy định khác.
2. Bên cạnh thực thi UNCLOS, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia và thực thi các điều ước quốc tế nhiều bên có liên quan đến xử lý các vấn đề về biển, tham gia phát triển luật biển quốc tế. Việt Nam đã tham gia hai Hiệp định thực thi UNCLOS cũng như Hiệp định về các biện pháp của quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định thuộc khuôn khổ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO). Nhằm bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải theo quy định của UNCLOS, Việt Nam tích cực tham gia nhiều điều ước quốc tế trong khuôn khổ Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) như Công ước Tổ chức hàng hải quốc tế 1948, Công ước quốc tế về phòng ngừa ô nhiễm từ tàu 1973 và Nghị định thư bổ sung 1978, Công ước về Tìm kiếm cứu nạn 1979, Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển 1974, Công ước quốc tế về ngăn ngừa hành vi bất hợp pháp đe dọa an toàn hàng hải 1988...
Thực hiện bảo vệ môi trường biển và tài nguyên sinh vật biển theo UNCLOS, Việt Nam tích cực tham gia một số điều ước quốc tế nhiều bên có liên quan như Công ước về đa dạng sinh học năm 1992 (có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/2/1995), Công ước về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp năm 1973 và sửa đổi các năm 1979 và 1983 (có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 25/7/1994).
Để ứng phó với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ký và phê duyệt Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2016 ngay trước thềm Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP22).
Nhằm tham gia tiếp tục phát triển luật biển quốc tế, cùng với các nước thành viên UNCLOS, Việt Nam tích cực cùng các nước đã tham gia Nhóm công tác đặc biệt và Ủy ban trù bị về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ), hiện đang tiến hành đàm phán liên chính phủ của LHQ để xây dựng một văn kiện pháp lý ràng buộc trong khuôn khổ UNCLOS về BBNJ.
Bên cạnh đó, thành viên Việt Nam trong Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc (ILC) tích cực đảm nhận vai trò soạn thảo Báo cáo của ILC về "Các nước châu Á-Thái Bình Dương và vấn đề mực nước biển dâng cao trong quan hệ với Luật pháp quốc tế", nhằm đóng góp vào công tác của Nhóm nghiên cứu ILC về "Tác động của mực nước biển dâng cao trong quan hệ với luật quốc tế", là chủ đề mới trong chương trình làm việc của ILC được ILC thông qua tại kỳ họp thứ hai, Khóa họp 71 của ILC (trụ sở LHQ ở Geneva, 08/7-09/8/2019).
3. Trong phòng, chống khai thác IUU, Việt Nam đã và đang tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật này, phù hợp với UNCLOS, quy định của FAO và các văn kiện pháp lý liên quan, trong đó có tăng cường hợp tác với các nước có liên quan, thiết lập đường dây nóng về nghề cá với cơ quan chức năng của các nước này; phát triển hệ thống theo dõi, giám sát, kiểm soát hoạt động tàu cá, đẩy mạnh công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản.
Các biện pháp cụ thể của Việt Nam trong phòng, chống khai thác IUU đã và đang được tích cực triển khai ở các cấp một cách mạnh mẽ và quyết liệt, đạt được những kết quả tích cực với mục tiêu xây dựng nghề cá bền vững, đồng thời bảo đảm sinh kế và an toàn cho ngư dân. Các biện pháp nêu trên được kỳ vọng sẽ khắc phục được những khó khăn do tình trạng tàu cá Việt Nam bị các nước áp dụng các biện pháp cứng rắn do khai thác IUU và tình trạng đánh bắt bất hợp pháp của tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển của Việt Nam.
4. Bảo tồn và sử dụng bền vững biển và tài nguyên biển được Việt Nam tích cực thúc đẩy. Phù hợp với UNCLOS và các điều ước quốc tế liên quan đến biển mà Việt Nam là thành viên, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã được Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 và tổ chức thực hiện. Trong giai đoạn mới, nhằm thực hiện Mục tiêu số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển cùng với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) khác của LHQ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững.
Đặc biệt, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII ban hành theo Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018. Chiến lược này đưa ra các mục tiêu cụ thể và giải pháp nhằm mục tiêu tổng quát "đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng". Việt Nam đang triển khai kế hoạch xây dựng 15 khu vực bảo tồn biển. Là một trong các quốc gia đứng đầu về rác thải nhựa, Việt Nam đang tích cực triển khai công tác chống rác thải nhựa, trong đó có chống rác thải nhựa trên biển.
Chặng đường 25 năm Việt Nam thực hiện UNCLOS cho thấy Việt Nam đã thực hiện đầy đủ, vận dụng hiệu quả và có trách nhiệm các quy định của UNCLOS để giải quyết các vấn đề trên biển, trong đó có việc bảo vệ, quản lý và sử dụng các vùng biển, đảo của Việt Nam, giải quyết các vùng biển yêu sách chồng lấn và thúc đẩy hợp tác quốc tế về biển thông qua các kênh song phương và đa phương trong khu vực và trên thế giới, phù hợp với tôn chỉ, mục đích và các quy định của UNCLOS. Cùng với các nỗ lực của mình triển khai các biện pháp thực hiện UNCLOS, Việt Nam đồng thời kiên trì, kiên quyết yêu cầu và kêu gọi các quốc gia khác tuân thủ các nghĩa vụ của UNCLOS, qua đó đóng góp vào bảo vệ trật tự pháp lý trên biển, xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình và mang lại thịnh vượng cho tất cả các quốc gia trong khu vực./.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!