Hãng hàng không quốc gia Emirates của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) vừa được vinh danh là "Hãng hàng không tốt nhất thế giới năm 2024". Được làm việc ở một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới này luôn là vinh dự nhưng cũng đầy áp lực và thử thách. Hôm nay, hãy cùng gặp gỡ Nguyễn Hoàng Duy Thức, tiếp viên trưởng người Việt Nam đầu tiên tại Emirates.
Phóng viên Hoàng Cường: Cơ duyên nào đã đưa Duy Thức tới với Emirates vậy?
Duy Thức: Từ những năm Cấp 3 em đã có mơ ước đi du học để có tương lai tốt hơn và lo lắng tốt hơn cho gia đình. Em đã cố gắng không ngừng và săn học bổng để đi học. Em từng có học bổng 80% Hungary và 70% ở Úc nhưng vì kinh tế gia đình nên em phải gác lại ước mơ và tiếp tục thi đại học ở Việt Nam. Em đỗ Đại học quốc gia Khoa kinh tế và học được 1 năm ở trường này. Trong năm đầu tiên em vẫn cố gắng săn học bổng không ngừng và may mắn được nhận học bổng toàn phần của trường President University ở Indonesia.
Năm 2012, Hãng hàng không Emirates mở thi Tuyển tiếp viên hàng không ở Vietnam, lần đó có trên 2000 hồ sơ ứng tuyển, và trong đó có 250 bạn được mời tham dự đợt xét tuyển đó.
Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn qua những trả lời, và giá trị câu trả lời đó thể hiện bằng số năm tích luỹ kinh nghiệm làm việc, tố chất của bạn có phù hợp để làm 1 tiếp viên hàng không hay không? Thực sự eem không nghĩ mình lại vượt qua được các ứng viên đang là tiếp viên của những hãng lớn như là Vietnam Airlines hay Asiana Airways, Korean Air… Năm đó, Emirates thông báo trúng tuyển có 6 người thôi, trong đó có em.
Duy Thức là tiếp viên trưởng đầu tiên người Việt Nam tại Emirates
Phóng viên Hoàng Cường: Tôi đang rất tò mò, khi được tuyển vào Emirates thì bạn đã được đào tạo như thế nào để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của Hãng hàng không hàng đầu thế giới này?
Duy Thức: Emirates có 3.600 chuyến bay/tuần di chuyển từ trung tâm tại Sân bay Quốc tế Dubai di chuyển đến 140 thành phố ở 81 quốc gia trên khắp thế giới. Nên họ cũng cần một đội ngũ nhân viên, đặc biệt là tiếp viên hàng không đa văn hoá để phục vụ khách hàng đến từ mọi nơi trên thế giới luôn. Chính vì thế, mỗi năm, Emirates cũng sẽ đi khắp các đất nước trên thế giới để tổ chức tìm kiếm nhân viên đa chủng tộc. Sau khi thi đỗ, em đã được sang Dubai để đào tạo trong 2 tháng và có tổng cộng 6 tháng để Thử việc. Tại đây, e được gặp gỡ với hàng ngàn tiếp viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Đúng là cả thế giới tụ hội về đây. Chúng em đã được giao tiếp, học hỏi tất cả những gì liên quan đến hàng không, từ an toàn bay, cách phòng và chữa cháy trên máy bay, nghiệp vụ hàng không cũng như cách ứng xử với khách khó tính, cách phản xạ với những trường hợp khẩn cấp, mà còn học cách sơ cấp cứu nếu trường hợp xấu nhất xảy ra…
6 tháng tại Dubai là cuộc chạy đua khủng khiếp để vừa học hỏi, vừa thực hành nữa. Chúng em được thực hành ngay trên các chuyến bay dưới sự chỉ bảo và giám sát.
Sau 6 tháng, em được cấp chứng chỉ và chính thức bước vào một chân trời mới của Emirates.
Phóng viên Hoàng Cường: Tôi hiểu được khó khăn, thử thách và cả áp lực mà bạn phải trải qua. Hãy tiết lộ 1 chút về công việc của các tiếp viên trên các chuyến bay được không?
Duy Thức: Thực sự là vô cùng áp lực. Lịch bay liên tục, giữa các quốc gia, với các múi giờ khác nhau, nhiều lúc khiến tôi không biết mình đang ở đâu nữa. Vì thế, để trở thành 1 tiếp viên giỏi, điều quan trọng nhất là bạn phải có được sức khoẻ dẻo dai. Tôi phải tập gym 3 lần 1 tuần, chạy bộ, đi bơi để cơ thể được thư giãn, tăng sức bền, sức chịu đựng, ăn uống theo 1 chế độ khắt khe để luôn giữ được hình thể đẹp, dẻo dai nữa.
12 năm làm việc cho Emirates, thường xuyên phải bay lệch múi giờ, kinh nghiệm của tôi để hạn chế những mệt mỏi do hiện tượng jetlag là uống nhiều nước suốt chuyến bay, ăn nhiều rau xanh, nhiều protein trước khi bay. Đến nơi nào tôi vẫn cố ngủ theo giờ của đất nước mình thường ở, dù có ngủ ít thì vẫn đúng giờ quen thuộc của cơ thể khiến đồng hồ sinh học không bị đảo lộn.
Làm việc trên máy bay nhiều áp lực, không đơn giản như hành khách vẫn nhìn thấy là bưng, bê. Trên thực tế, tiếp viên phải có sức bền, sự bình tĩnh và chịu đựng để đối phó tốt với những tình huống tiêu cực suốt thời gian máy bay cất cánh.
Phóng viên Hoàng Cường: Bây giờ hãy kể cho chúng tôi hành trình để trở thành tiếp viên trưởng người Việt Nam đầu tiên tại Emirates đi.
Duy Thức: Sau 5 năm làm tiếp viên, em được thăng cấp lên làm tiếp viên phó, quản lý một nhóm 6-10 nhân viên đến từ các nước khắp nơi trên thế giới với những background hoàn toàn khác nhau. Tụi em chưa hề được biết nhau trước chuyến bay (hãng có 25.000 tiếp viên), nên em phải học cách tổ chức và phân công công việc tuỳ theo vị trí của từng người và khả năng của họ để mọi người đến được mục đích chính là chuyến bay hạ cánh an toàn và tất cả các hành khách rời khỏi máy bay với sự thoải mái và hài lòng với dịch vụ mà tụi em đã hoàn thành.
Em làm tiếp viên phó được 7 năm thì công ty lại mở cơ hội để thi lên tiếp viên trưởng. Vị trí này là cao nhất trong toàn đội bay, chỉ sau phi công để quản lý an toàn trên chuyến bay, đảm bảo các yêu cầu và tiêu chuẩn dịch vụ của hãng được tuân theo và giải quyết những tình huống đặc biệt xảy ra để báo cáo trực tiếp với công ty.
Sau khi tất cả các ứng viên đã hoàn thành phần thi, ban quản trị sẽ xem xét và chọn ra những người xuất sắc nhất, may mắn là em nằm trong số 12 người được chọn trong số 1000 người dự thi. Sau khi được chọn, bọn em được huấn luyện trong vòng 3 tuần để có thêm kiến thức và kĩ năng quản lý nhân viên và giải quyết các trường hợp xảy ra trên máy bay. Hoàn thành khoá huấn luyện, bọn em có 6 tháng để thử việc để chác chắn là mọi người có thể làm tốt trong vai trò mới và quản lý tốt nhân viên của mình.
Sau 12 năm ròng rã, trải qua thăng trầm và lăn xả, em tự hào là tiếp viên trưởng người Việt đầu tiên của hãng hàng không Emirates Airlines nổi tiếng thế giới.
Duy Thức trên các chuyến bay khắp thế giới của Emirates
Việc thích nghi văn hóa, tạo sự hài hòa cũng là những điểm mạnh giúp Duy Thức tạo được tiếng nói với các tiếp viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Phóng viên Hoàng Cường: Để là tiếp viên trưởng người Việt đầu tiên của hãng hàng không Emirates Airlines nổi tiếng thế giới, tôi biết là chưa bao giờ dễ dàng cả. Tôi cũng mường tượng những khó khăn mà bạn đã vượt qua. Tôi đang tự hỏi, trong thế giới của Emirates, liệu có khi nào bạn bị phân biệt kiểu sắc tộc, hay màu da không?
Duy Thức: Trong môi trường làm việc của em, có các tiếp viên đến từ 120 quốc tịch và có những người có học vấn và trình độ khác nhau. Nên sự phân biệt chủng tộc cũng không thiếu. Đối với họ, người châu Á mình thường là dễ dãi, chăm làm, và tránh việc va chạm cãi vã, nên cũng có sự lợi dụng để yêu cầu mình làm nhiều hơn hoặc làm những việc mà mình không thích. Nhưng sau 1 thời gian quen, sau khi lên làm quản lý, em đã có thể nói chuyện, phân công và chia sẻ công việc với các bạn đồng đều nhau và mọi người có thể làm việc với nhau một cách vui vẻ.
Phóng viên: Rõ ràng, người Việt mình toả sáng ở Emirates là hoàn toàn có cơ hội. Với kinh nghiệm dạn dày của mình, hẳn là Duy Thức cũng rất muốn giúp sức và mong nhiều người Việt Nam có cơ hội được làm việc tại Emirates đúng không?
Duy Thức: Ở Việt Nam hiện tại cũng có nhiều trung tâm đào tạo nghiệp vụ hàng không và tiếp viên hàng không mời em về đứng lớp chia sẻ kinh nghiệm và truyền kỹ năng để các bạn chuẩn bị vào đợt tuyển. Hiện giờ thì em vẫn đang tập trung phát triển bản thân, có thể sau 2-3 năm làm tiếp viên trưởng, em sẽ xin làm vị trí ở mặt đất để quản lý nhân viên (Cabin crew performance Manager) lúc đó sẽ có nhiều thời gian hơn để hợp tác với các trung tâm ở Việt Nam. Nhưng em vẫn sẵn sàng để hỗ trợ những bạn có đam mê để mở rộng cộng đồng tiếp viên Việt Nam ở Dubai và tạo nhiều cơ hội hơn cho các bạn đồng nghiệp.
Phóng viên: Cảm ơn Duy Thức về buổi trò chuyện hôm nay!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!