Nam quốc sơn hà - Phạm Đức Nhuận thể hiện. Ảnh: ĐSPL
Điều đặc biệt nhất mà triển lãm Tổ quốc và biển đảo mang lại đó là tình yêu đất nước, tình yêu Tổ quốc mà các thư pháp gia với tuổi đời còn rất trẻ thể hiện.
Trong một bức thư pháp thể hiện đôi câu đối giữa Giang Văn Minh - vị quan nhà Lê và vua triều Minh của Trung Quốc, câu đối mượn hình ảnh sông Bạch Đằng với dòng nước đỏ, mang hiển ngôn lẫn hàm ngôn về sự bất khuất của dân tộc Việt. Tác giả của bức thư pháp này mới 26 tuổi nhưng đã có 10 năm trong nghề.
Là một cán bộ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, anh Nguyễn Ngọc Thanh cùng các thư pháp gia trẻ khác đã cùng tổ chức triển lãm nhằm tìm ra tiếng nói chung cho tác phẩm của họ, đó là chủ quyền đất nước.
Nhà thư pháp, Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Ngọc Thanh chia sẻ: “Đây là một triển lãm thuần Việt bởi các tác phẩm đều do người Việt viết, một điều nữa là nó bao gồm những tác phẩm từ xưa đến nay, kim cổ đều có. Cổ nhất có thể thấy là bài Nam quốc sơn hà, bởi vì chủ đề là Tổ quốc và biển đảo, nên việc tái hiện lại tác phẩm của người xưa thể hiện Việt Nam có nền văn học rất sâu; thứ hai là về lịch sử nước ta liên quan đến khẳng định chủ quyền và bảo vệ chủ quyền”.
Các tác giả tham gia triển lãm với độ tuổi từ 26-40 còn dành sự yêu mến cho các bài thơ tiếng Việt hiện đại. Các tác phẩm này được họ chuyển hóa sang hình thức chữ Nôm - thứ văn tự vốn được dùng như “Quốc ngữ” của Việt Nam trong khoảng 1000 năm. Tuy nhiên, dù là chữ Hán hay chữ Nôm, các tác phẩm thư pháp lần này đều hướng đến nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Nhà thư pháp, Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Quang Thắng đánh giá: “Thực ra giá trị của nghệ thuật, một trong những chức năng của nó là giáo dục. Tác phẩm của chúng tôi khi treo lên mọi người sẽ cảm nhận được nó dưới góc độ văn chương và thư pháp và họ sẽ ý thức rõ hơn về vấn đề chủ quyền biển đảo ở nước ta. Chúng tôi đã mượn lời các tác giả và hy vọng đã có ảnh hưởng lên công chúng qua cuộc triển lãm này.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Quân, Nhà nghiên cứu Văn học và Ngôn ngữ: “Điều tôi đặc biệt nhất và đánh giá cao ở đây là lòng yêu, quý mến những tài sản về chữ Hán và chữ Nôm mà cha ông để lại, thứ hai là tạo nên nguồn cảm hứng để những thế hệ sau học tập”.
Trong những ngày cuối năm, một không gian mới cho thư pháp Việt như thế này không chỉ đem đến cái nhìn mới về một môn nghệ thuật tưởng chừng như hoài cổ, mà qua đó còn khẳng định những thông điệp xuyên suốt về tình yêu Tổ quốc.
Triển lãm với 30 tác phẩm sẽ kéo dài đến hết ngày 30/3/2015 tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 183 Đặng Tiến Đông, Hà Nội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.