Việt Nam là nước dân số đông nhưng lại được đánh giá là khan hiếm nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có nghề nghiệp được đào tạo bài bản (nguồn năng lực chất lượng cao). Giải pháp để giải quyết thực trạng này cũng đã được bàn nhiều và đang trong tiến trình thực hiện, nhưng có thể thấy một trong những lợi thế hiện nay là việc tận dụng nguồn lực tri thức kiều bào khi ngày càng có nhiều giáo sư, tiến sĩ người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước, sẵn sàng đóng góp cho nền giáo dục Việt Nam.
Nghiên cứu và giảng dạy tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản đã được 23 năm, nhưng hàng năm Giáo sư Hồ Tú Bảo vẫn sắp xếp thời gian về Việt Nam 6-8 lần để tham gia các đề tài nghiên cứu, tổ chức hội nghị chuyên ngành, giảng dạy tại một số trường đại học. Ông xem đây là một phần trách nhiệm mà ông và nhiều trí thức kiều bào khác đang nỗ lực thực hiện.
Một khó khăn dễ nhận thấy trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam hiện nay, đó là lực lượng giáo viên trình độ chuyên môn cao còn mỏng, chất lượng các trường đại học chưa đồng đều cũng như thiếu thốn về cơ sở vật chất kỹ thuật, nặng về đào tạo kiến thức trong khi yếu kém về thực hành. Các đề tài nghiên cứu khoa học đỉnh cao còn nhiều hạn chế, từ đó dẫn đến nguồn lực lao động đầu ra chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Thái, Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Công nghệ cho rằng: “Làm sao đáp ứng được nhu cầu xã hội, đo đếm được chất lượng cũng là cái khó. Ví dụ, sinh viên trường Công nghệ ra trường có việc làm tỷ lệ cao, tuy nhiên trong quan hệ với doanh nghiệp, nhà trường nhận phản hồi chính xác về sinh viên cũng là vấn đề không đơn giản”.
Đào tạo thông qua nghiên cứu và nghiên cứu khoa học để tiếp cận đỉnh cao của tri thức, từ đó quay trở lại đào tạo với chất lượng cao, trình độ cao chính là sự tận dụng, chuyển hóa tri thức kiều bào mà ngành giáo dục Việt Nam đã và đang hướng tới.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.