Hồng không hạt là một loại cây được trồng nhiều tại tỉnh Wakayama. Ảnh: Báo Hà Giang
Tiếp tục thông tin về chuyến thăm Việt Nam của đoàn đại biểu tỉnh Wakayama, Nhật Bản, ngày 12/3, một hội thảo giới thiệu tỉnh Wakayama và buổi kết nối doanh nghiệp của tỉnh này với các doanh nghiệp Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội.
Hồng không hạt là một loại cây được trồng nhiều tại tỉnh Wakayama, đây cũng là địa phương có sản lượng hồng không hạt cao nhất Nhật Bản. Đến Việt Nam lần này, đoàn đại biểu tỉnh Wakayama đã giới thiệu nhiều sản phẩm được chế biến từ hồng không hạt như hồng sấy, giấm hồng.
Ông Nobuhisa Kitamoto, Quản lý bộ phận bán hàng trực tiếp, Hiệp hội Nông nghiệp Vùng Kihoku - Kawakami chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng có thể hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam với những sản phẩm chế biến từ hồng không hạt. Chúng tôi mong muốn người dân Việt Nam có thể thưởng thức hương vị của Nhật Bản”.
Trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản đang tăng cường hợp tác đánh bắt, chế biến cá ngừ, Tập đoàn Thủy sản Yamasa Wakiguchi tỏ ra lạc quan về các cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai. Lần này, doanh nghiệp sẽ đến tỉnh Bình Định để thị sát các cơ sở chế biến cá ngừ.
Ông Kotaro Wakiguchi, Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Yamasa Wakiguchi nói: “Việt Nam có một số đặc điểm tự nhiên giống Nhật Bản. Việt Nam và Nhật Bản cùng nằm ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, nhờ dòng hải lưu Kuroshio, hay hải lưu Nhật Bản mà hai nước có chung một nguồn cá ngừ đại dương. Vì vậy, thật tuyệt vời khi hai nước có thể hợp tác với nhau, cùng nhau khai thác nguồn cá ngừ này”.
Ngoài nông nghiệp, tỉnh Wakayama cũng mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác như sắt thép, hoá chất, du lịch.
Ông Yoshinobu Nisaka, Thống đốc tỉnh Wakayama, Nhật Bản khẳng định: “Điều quan trọng nhất vẫn là việc tìm kiếm được đối tác, ví dụ như các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, nếu doanh nghiệp Việt Nam thấy sản phẩm nào của Nhật Bản phù hợp thì có thể trở thành nhà phân phối, nhập khẩu và bán tại thị trường Việt Nam; hoặc hợp tác chuyển giao công nghệ. Có nhiều hình thức hợp tác khác nhau, nhưng quan trọng nhất vẫn là việc tìm kiếm được đối tác”.
Tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng buổi kết nối doanh nghiệp đã đạt được một số kết quả ban đầu.
Bà Trần Phương Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu South Pacify International cho biết: “Trong tương lai tôi có dự định nhập hai sản phẩm là trái hồng và cám gạo. Tôi cũng muốn xuất khẩu lại cám gạo của Việt Nam sang Nhật Bản”.
Ngoài tỉnh Wakayama, trong vài năm gần đây, nhiều địa phương của Nhật Bản như tỉnh Fukuoka, Kanagawa, Ibaraki… cũng đã tổ chức các chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản ở cấp địa phương.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.