Tham gia hội nghị có đại diện lãnh đạo của các trường đại học thuộc mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN) và Nhật Bản. Đây là cơ hội để giúp các trường trong khu vực xây dựng quy chuẩn chung trong khối trong việc đào tạo nguồn nhân lực, tiến tới sự phát triển chung.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thống nhất việc trao đổi tín chỉ giữa các trường sẽ dựa trên đánh giá giám sát đầu ra của từng bộ môn học. Theo đó các trường sẽ không dựa vào yếu tố bộ môn đó phải học trong thời gian bao lâu và phải học bao nhiêu tín chỉ, mà chỉ kiểm soát đánh giá chất lượng của bộ môn đó đạt hay không. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng bàn về việc trao đổi tín chỉ của nghiên cứu sinh và các nhà khoa học trẻ.
Ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Hội nghị trao đổi tín chỉ giữa các trường ở khu vực Đông Nam Á sẽ tạo điều kiện cho Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như các nước trong khu vực có thể xây dựng được quy chuẩn chung của khối trong công tác đào tạo, những chuẩn mực về xây dựng chương trình, ngôn ngữ, nội dung giảng dạy. Trên cơ sở đã thống nhất như vậy, học sinh ở nước này có thể sang học tập tại nước khác”.
Tiến sĩ Nantana Gajaseni, Giám đốc điều hành hệ thống các trường Đại học ASEAN chia sẻ: “Chương trình trao đổi tín chỉ có lợi ích rất lớn đối với sinh viên, các em sẽ không bị lãng phí thời gian học trước đó của mình khi muốn chuyển sang một trường trong khu vực. Bên cạnh đó, các em còn được nhiều lợi ích khác như việc xây dựng mối quan hệ với các nước bạn trong khối ASEAN, có cơ hội tiếp xúc với hệ thống đào tạo chuẩn quy mô quốc tế”.
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng cho rằng, để giúp các sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tốt không những trong nước mà còn cả trong khu vực, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải là cầu nối cung cấp thông tin, khuyến khích các trường tham gia vào chương trình trao đổi sinh viên giữa các nước, nhất là khi sự dịch chuyển lao động sẽ xảy ra mạnh mẽ vào cuối năm nay.
Giáo sư, Tiến sĩ Anees Janee Ali, Giám đốc Trường Đại học Universiti Sains Malaysia khuyến nghị: “Khi các nước trong khu vực đã thống nhất được về tín chỉ, các trường đại học của Việt Nam nên tham gia vào chương trình trao đổi sinh viên với các nước trong khu vực, bởi qua chương trình sẽ giúp sinh viên Việt Nam có cơ hội trao đổi và tích lũy kinh nghiệm, tăng cường các kỹ năng mềm. Các trường có thể hỗ trợ các em về thông tin, để các em biết về các chương trình học bổng, cách làm thủ tục…”.
Hội nghị nhất trí thông qua về quy chuẩn chung trong việc trao đổi tín chỉ sẽ đóng góp tích cực cho việc xây dựng một cộng đồng giáo dục chất lượng cao trong khu vực. Tạo cơ sở vững chắc trong việc cung cấp nhân lực đồng bộ, làm tiền đề cho sự dịch chuyển lao động tự do một khi ASEAN trở thành cộng đồng chung.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.