Nghệ thuật Bài chòi dưới góc nhìn của học giả quốc tế

Ngọc Thúy (thoisu@vtv.vn)-Thứ năm, ngày 22/01/2015 06:00 GMT+7

Bài chòi là hình thái nghệ thuật dân gian bình dân, mang bản sắc văn hóa riêng của cộng đồng dân cư Quảng Nam. Ảnh: Báo Tin tức

Nghệ thuật Bài chòi Việt Nam được nhiều học giả quốc tế đánh giá có nét tương đồng với một số loại hình nghệ thuật trên thế giới.

Nhắc đến nghệ thuật Bài chòi Việt Nam, nhiều người thường nghĩ đến sự gần gũi, giản dị và nét thú vị bởi những người trình diễn trong hội chơi. Còn dưới góc nhìn của bạn bè quốc tế, Bài chòi được đánh giá với những khía cạnh độc đáo khác, đặc biệt hơn khi Bài chòi được nhiều học giả quốc tế nhìn nhận có những nét tương đồng với một số loại hình nghệ thuật trên thế giới. Điều này giúp Bài chòi Việt Nam được khẳng định trong mắt bạn bè quốc tế, là di sản quý báu cần được công nhận và có định hướng bảo tồn bền vững.

Trong số 22 tham luận bàn về những khía cạnh liên quan đến Bài chòi được đề cập tại Hội thảo “Nghệ thuật dân gian Bài chòi Việt Nam và các hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới” vừa diễn ra tại tỉnh Bình Định, có 6 tham luận của 6 tác giả đến từ Pháp, Đức, Thụy Điển, Hàn Quốc, Lào được đặc biệt chú ý bởi học giả đã đi sâu phân tích về âm nhạc học của Bài chòi. Sự mộc mạc, giản đơn và cả sự ngẫu hứng của người nghệ sĩ khi sử dụng những đoạn thơ kể, đi cùng với tiết tấu và nội tâm, thái độ của nhân vật qua trích đoạn được trình diễn ngay tại Hội thảo đã thật sự lôi cuốn các học giả.

Ông Yves Derfrance, Nhà nghiên cứu Âm nhạc Dân tộc học Pháp cho biết: “Trước tiên, tôi ấn tượng ở Bài chòi là yếu tố âm nhạc vì cái cách mà người ta ngẫu hứng trên giai điệu riêng có của Bài chòi. Thứ hai, mặc dù không hiểu về ngôn ngữ Việt Nam, nhưng qua cử chỉ, nét mặt của người biểu diễn, tôi thấy được sự hài hước, vùi vẻ của nghệ thuật này. Thứ ba là ở yếu tố hội chơi, sự liên kết gần gũi giữa người với người trong hội chơi Bài chòi, đó là một điều rất là quan trọng trong xã hội hiện đại này”.

GS. TS. Gisa Jahnichen, Nhà nghiên cứu Âm nhạc Dân tộc học Đức nhận xét: “Không khí sân khấu rất hay bởi những người tham dự ngồi ở trên chòi, còn người biểu diễn ở dưới chứ không như ở những sân khấu khác, điều này là đặc biệt. Trong nghệ thuật Bài chòi có nhiều cách biểu diễn khác nhau và có thể phát triển theo cách kết hợp giữa truyền thống và hiện đại”.

Tiến sĩ Seong Yong Park, Nhà nghiên cứu Văn hóa tại Hàn Quốc chia sẻ: “Hàn Quốc có hai loại hình nghệ thuật tương tự Bài chòi Việt Nam, đó là Jindo dasiraegi và Pansori. Sự tương tự thể hiện ở mức độ cảm xúc, biểu cảm và có cả yếu tố lễ hội... Những yếu tố đó rất cần để chúng ta bảo tồn và người Việt Nam cần tự hào về nó”.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, ban đầu chỉ là trò chơi dân gian đơn giản, dần dần các thế hệ tiền nhân đã sáng tạo, bổ sung, định hình, đưa Bài chòi trở thành một loại hình nghệ thuật diễn xướng phong phú và đa dạng về hình thức. Đặc điểm của Bài chòi miền Trung Việt Nam là chơi trên chòi. Anh Hiệu, chị Hiệu là người cầm trịch, hô tên con bài. Trong quá trình hô bài chòi, các Hiệu đã nghiên cứu ra điệu áp dụng trong việc hô tên con bài nhằm tăng sức hấp dẫn, tăng sự phong phú cho hội chơi. Vì vậy, bên cạnh việc giới thiệu, quảng bá đến bạn bè quốc tế, vấn đề bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này đặt ra nhiều thách thức.

Vào tháng 3/2015, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ hoàn tất bộ hồ sơ quốc gia "Nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam" đệ trình UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghệ thuật dân gian Bài chòi sẽ lan tỏa không chỉ đến công chúng trong nước mà cả bạn bè quốc tế với sự độc đáo và sức sống mãnh liệt của loại hình này.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước