Hội đánh Bài chòi dân gian Bình Định. Ảnh: tamnhin.net
Sáng 13/1, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Định tổ chức Hội thảo quốc tế “Nghệ thuật Bài chòi dân gian Việt Nam và những hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới”.
Tham dự hội thảo, ngoài sự có mặt của đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban UNESCO tại Việt Nam, các ban ngành liên quan, còn có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, các nghệ nhân Bài chòi và đại diện 9 tỉnh khu vực duyên hải miền Trung có di sản Bài chòi từ Quảng Bình đến Khánh Hòa.
Có 22 tham luận của các nhà khoa học sẽ được đề cập tại Hội thảo này, đặc biệt trong đó có 6 tham luận của 6 tác giả đến từ Pháp, Đức, Thụy Điển, Hàn Quốc, Lào với phần trao đổi chú trọng vào âm nhạc học. Hội thảo tập trung vào các vấn đề về đặc điểm lịch sử và văn hóa của miền Trung; nghệ thuật biểu diễn Hô Bài thai của anh Hiệu, chị Hiệu; yếu tố văn học trong Hô tên con bài và văn học trong nghệ thuật độc diễn Bài chòi; các biện pháp đã và sẽ thực hiện để bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản Bài chòi trong đời sống hôm nay.
Ngoài ra còn có sự so sánh giữa nghệ thuật Bài chòi với các hình thức nghệ thuật tương đồng trên thế giới. Từ đó, ngay tại hội thảo, các nhà quản lý văn hóa của các địa phương có nghệ thuật Bài chòi đưa ra những nhận định, đánh giá về thực trạng cùng thách thức về các biện pháp bảo tồn, phát huy di sản Bài chòi.
Trong buổi sáng nay, các nhà khoa học tập trung trình bày, phân tích đóng góp ý kiến 6 tham luận của các học giả trong nước liên quan đến yếu tố nghệ thuật của loại hình diễn xướng dân gian Bài chòi một số tỉnh miền Trung: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Khánh Hòa, về Bài chòi chiếu và vai trò của câu Thai, hô Thai trong bài chòi và đặc biệt các nhà khoa học quốc tế đã được tìm hiểu rõ hơn về loại hình nghệ thuật Bài chòi bởi những trích đoạn của Bài chòi chiếu được nghệ nhân Bình Định trình diễn ngay tại Hội thảo.
Hội thảo nhằm giới thiệu và quảng bá những giá trị đặc sắc của di sản Bài chòi Việt Nam ra thế giới thông qua các học giả, những nhà nghiên cứu âm nhạc quốc tế, là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm bảo vệ các di sản văn hóa truyền thống ở các nước trên thế giới. Đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong lộ trình kế hoạch xây dựng hồ sơ quốc gia nghệ thuật Bài chòi miền Trung Việt Nam đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 3/2015.
Hội thảo sẽ diễn ra trong hai ngày (13 và 14/1). Chiều nay, có 11 tham luận sẽ tiếp tục được các nhà khoa học trong nước và quốc tế trình bày tại hội thảo.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.