Nhà báo Nick Út và ông Hồ Văn Bôn - người em họ của bà Kim Phúc cũng có mặt trong bức ảnh đang chỉ vào hình ảnh ông Bôn khi chỉ mới là một cậu bé. Ảnh: Người lao động
Triển lãm ảnh “Việt Nam: Cận cảnh cuộc chiến tranh” được diễn ra từ ngày 12/6 - 26/6 tại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên bộ ảnh quý gồm 58 bức ảnh miêu tả cận cảnh cuộc chiến tranh Việt Nam của AP được giới thiệu tới công chúng. Một trong những người góp công lớn cho cuộc triển lãm lần này là phóng viên ảnh Nick Út với bức ảnh “Em bé Napalm”. Phóng viên Đài THVN đã có cuộc phỏng vấn phóng viên Nick Út để hiểu rõ hơn về cuộc triển lãm này.
Xin ông cho biết cảm xúc của mình khi giới thiệu những bức ảnh về chiến tranh tại Việt Nam, đặc biệt là về bức ảnh “Em bé Napalm”?
Phóng viên ảnh Nick Út, Hãng thông tấn AP, Mỹ: Tôi rất vui vì cùng các phóng viên khác của AP về giới thiệu các bức ảnh chiến tranh tại Việt Nam. Trong các bức ảnh đó, có cả những bức ảnh của tôi và anh trai tôi chụp. Đối với bức ảnh “Em bé Napalm”, đây là một trong những hình tượng về chiến tranh Việt Nam. Có nhiều người Việt Nam khi qua Nam Mỹ, họ chưa biết về Việt Nam nhưng khi nghe kể về cô bé chạy trong chiến tranh, họ lại biết. Hình ảnh em bé Napalm rất quan trọng của lịch sử chiến tranh Việt Nam.
Được biết, trong lần trở về Việt Nam này, ông đã thực hiện cuộc đấu giá tác phẩm của mình để làm từ thiện. Thông điệp mà ông muốn truyền tải qua việc này là gì?
Phóng viên ảnh Nick Út: Khi tôi trở về Việt Nam và vào Thành phố Hồ Chí Minh, tôi được giới thiệu bán đấu giá 5 bức ảnh để gây quỹ cho trẻ em nghèo của chương trình "Quỹ trái tim". Tôi rất vui khi 5 bức ảnh đó đã bán được hơn nửa tỉ đồng. Tôi sẽ tiếp tục đem những bức ảnh khác của tôi có để giúp những trẻ em nghèo khác.
Năm nay Việt Nam - Mỹ kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao. Là một người Mỹ gốc Việt, ông mong muốn điều gì nhất ở quan hệ hai nước?
Phóng viên ảnh Nick Út: Tôi đã sống và làm việc ở Mỹ gần 40 năm. Tôi thấy trong 20 năm trở lại đây, hai nước Việt Nam và Mỹ đã có mối quan hệ rất tốt, gần gũi nhau hơn. Hai nước đã tạm quên đi quá khứ để làm kinh tế. Ở bang California nơi tôi sống, tôi thấy nhiều quần áo của Việt Nam được bán ở đây, tôi rất vui. Khi được tin AP sẽ triển lãm ảnh tại Việt Nam và sử dụng ảnh của tôi, tôi cũng cảm thấy Việt Nam và Mỹ đã gần nhau hơn nữa.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.