Doanh nghiệp Việt với nhiều giải pháp mở rộng thị trường bán lẻ

Diệu Thư (thoisu@vtv.vn)-Thứ bảy, ngày 27/12/2014 06:00 GMT+7

Ảnh minh họa

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi nhiều thương hiệu bán lẻ nước ngoài vào đầu tư.

Tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, sản xuất ra nhiều sản phẩm mới, đáp ứng được đại đa số nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời mở rộng nhiều kênh phân phối từ thành thị đến nông thôn là cách mà Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn đang thực hiện để trụ vững trên thị trường bản lẻ trong nước. Theo đơn vị này, tận dụng và phát huy những lợi thế đang có là hướng đi được các nhà bán lẻ và sản xuất trong nước ưu tiên chọn.

Ông Bùi Nhật Nam - Giám đốc Trung tâm phân phối Satra cho biết: “Satra đã xây dựng chuỗi cửa hàng Satrafood đạt 46 cửa hàng, chỉ tiêu từ nay đến cuối năm là 50 cửa hàng bán lẻ Satrafood, sắp tới công ty cũng định hướng xây dựng thêm trung tâm thương mại Satra để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng các sản phẩm là thế mạnh của Satra”.

Không chỉ tập trung cho thị trường trong nước, nhiều đơn vị còn tìm kiếm thị trường xuất khẩu để quảng bá sản phẩm. Cụ thể, những sản phẩm thép của công ty này đã có mặt ở thị trường Thái Lan được người tiêu dùng đón nhận. Sản lượng xuất khẩu thép tấm và nhiều loại khác đều tăng theo mỗi năm.

Ông Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Thép SMC chia sẻ: “Chúng tôi đưa ra tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng tương đương với Nhật, Hàn Quốc hay Đài Loan, đảm bảo giữ uy tín chặt chẽ với khách hàng và phải làm từng bước để có thể phát triển thị trường. Chúng tôi cũng kỳ vọng trong tương lai khi thị trường ASEAN mở cửa thì cơ hội thâm nhập và phát triển SMC sẽ tích cực hơn”.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, gia nhập Cộng đồng kinh ASEAN, bên cạnh các thách thức như các doanh nghiệp nước ngoài sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, tuy nhiên lại mở ra rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường rộng lớn với 10 nước trong khu vực. Không chỉ đưa hàng hóa sang, các doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư sản xuất ở các nước này.

Song song với việc các doanh nghiệp chủ động đầu tư, mở rộng thị trường và phát triển kênh phân phối, vai trò của nhà nước cũng ngày càng được thể hiện rõ hơn qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại.

Theo cam kết theo WTO, khi các đơn vị bán lẻ ngoại hoạt động tại Việt Nam phải thực hiện đưa hàng Việt vào các kênh phân phối này. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp trong nước, 80% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản phẩm của các doanh nghiệp này rất khó tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại bởi từ chất lượng sản phẩm, đến bao bì, mẫu mã chưa đáp ứng được các yêu cầu. Đó là chưa kể các quy định về mức chiết khấu cao và thời hạn thanh toán sau khi giao hàng của các doanh nghiệp ngoại khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn.

Dù còn nhiều thách thức, nhưng những kỳ vọng đã được mở ra khi doanh nghiệp trong nước đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp như: nâng cao chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã đẹp, tiện lợi cho người sử dụng, nâng cao tính sáng tạo, giá thành hợp lý... Đi cùng với đó là sự đồng hành hỗ trợ từ các Bộ ngành sẽ là đòn bẩy để doanh nghiệp Việt tự tin phát triển thị trường trong và ngoài nước.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước