Cuộc hội ngộ của thày và trò Khoa Nga, ĐHQG Hà Nội sau 30 năm

Thanh Tâm - Ngọc Tuấn (VTV4)-Thứ hai, ngày 03/11/2014 16:40 GMT+7

Cuộc hội ngộ diễn ra đầy xúc động.

Buổi hội ngộ của thày và trò Khoa tiếng Nga trường ĐHQG Hà Nội là hoạt động tinh thần có ý nghĩa nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.

Chiều 1/11, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, Hà Nội đã diễn ra buổi hội ngộ giữa các cựu sinh viên K13, cựu thầy cô giáo Khoa Nga, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong nhiều năm qua, Khoa Ngôn ngữ và Văn học Nga, trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã có những đóng góp đáng kể trong việc đào tạo nhân lực có kiến thức tiếng Nga cho đất nước.

Lần đầu tiên sau 30 năm tốt nghiệp, những học trò cũ và các thày cô giáo khoa Nga gặp lại nhau trong niềm hân hoan và hạnh phúc. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Cựu Giảng viên Bộ môn đọc và Thực hành tiếng, Khoa Nga, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Trong buổi gặp gỡ này, tôi rất phấn khởi bởi vì có rất nhiều thế hệ thày và trò. Đây là các thế hệ của các em K13 do chúng tôi giảng dạy”.

Trở về với buổi hội ngộ này là nhiều cựu sinh viên từ khắp nơi. Anh Phan Quang Minh - nghệ sỹ guitar Việt Nam đã từng ở Mỹ. Anh là một trong số 50 nghệ sĩ guitar trên toàn thế giới được mời tham dự Đại hội guitar thế giới lần thứ nhất tổ chức ở Mỹ. Với anh Minh, tiếng Nga là những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp của mình.

Nghệ sỹ guitar Phan Quang Minh, Cựu sinh viên Khoa Nga, Đại học Quốc gia Hà Nội nói: “Tôi đã nhiều năm sống ở Mỹ, nhưng có thể nói rằng tiếng Nga và văn hóa Nga vẫn gắn liền với tôi. Hôm nay là dịp tuyệt vời tôi gặp lại bạn bè cũ, được nói tiếng Nga, được hát tiếng Nga, được ôn lại những kỉ niệm của thời ấu thơ. Rất xúc động”.

Năm 1955, Trường Ngoại ngữ, tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội ra đời - Ban Nga văn đầu tiên cũng đã được thành lập từ ngày ấy. Khởi đầu với chỉ 10 thày cô người Việt và 10 chuyên gia Liên Xô rồi trải qua biết bao thăng trầm, đến nay đã có gần 60 khóa sinh viên của khoa ra trường, nhiều người trong số họ đã và đang thành công trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Focus Travel, Nha Trang, Cựu sinh viên Khoa Nga, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Hiện nay tôi đang làm việc tại công ty du lịch Focus Travel - một công ty chuyên đưa khách du lịch Nga đến Việt Nam ở các thành phố du lịch biển nổi tiếng ở Việt Nam như Nha Trang, Mũi Né và Phú Quốc. Nếu như không có sự hiểu biết tiếng Nga, không hiểu biết tính cách người Nga, thì có lẽ chúng tôi sẽ không bao giờ đưa được những dịch vụ tốt nhất cho người Nga hiện nay vào du lịch Việt Nam. Chúng tôi đã rất may mắn khi được học tiếng Nga”.

Nhận xét về các cựu học trò của mình, ông Đỗ Ca Sơn, Cựu Giảng viên Bộ môn Tiếng Nga và Giáo học pháp, Khoa Nga, Đại học Quốc gia Hà Nội nói: “Họ học tiếng Nga rất giỏi, nói tiếng Nga rất giỏi, viết tiếng Nga rất giỏi. Đó là một trong những khóa học gian khổ nhất của thời sau chiến tranh. Tôi lại càng tự hào là hôm nay tôi chứng kiến những học trò cũ của tôi họ vẫn giữ được tất cả những điểm tốt đẹp nhất của khoa Nga”.

Tiếng Nga vẫn luôn được yêu mến và nhu cầu học ngoại ngữ này đang hồi sinh tại Việt Nam khi những năm gần đây quan hệ hợp tác giữa hai nước đang được quan tâm thúc đẩy phát triển sâu rộng.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước