Đây là dịp để nhìn lại những cơ hội mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã mang lại sau hơn 1 năm thành lập và thảo luận những tiềm năng vẫn còn chưa được tận dụng.
Trong xu thế các thỏa thuận thương mại đa phương trong khu vực đang có dấu hiệu chững lại, việc tận dụng được lợi ích mà Cộng đồng Kinh tế ASEAN đem lại đang được nói đến nhiều. Việc nắm bắt được những cơ hội trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN - thị trường lớn thứ 3 thế giới sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam chủ động hơn trong việc hội nhập hiệu quả với khu vực.
Tại Tọa đàm, các chuyên gia đánh giá, việc ra đời Cộng đồng kinh tế ASEAN đã giúp các quy trình lưu chuyển hàng hóa trở nên thống nhất và thuận lợi nhờ cơ chế một cửa ASEAN; hệ thống hải quan điện tử quá cảnh; các quy trình đánh giá tuân thủ được thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN và cùng áp dụng chung một biểu thuế quan hài hòa ASEAN. Thế nhưng, theo một khảo sát, 94% các doanh nghiệp Việt Nam biết đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN nhưng chỉ chưa đầy 17% biết rõ về các cam kết trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Số doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội từ AEC thời gian qua còn thấp hơn nữa. Thực tế, năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN giảm 5,6% trong khi nhập khẩu giảm 2%. Việt Nam đang đứng trước cơ hội thị trường rất lớn nhưng chưa tận dụng được.
Thách thức lớn trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN đối với Việt Nam hiện tại là sức cạnh tranh từ hàng hóa từ các nước ASEAN. Với cơ cấu sản phẩm tương đối giống nhau trong cả 10 nước ASEAN, việc mở cửa thị trường sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh lớn cho hàng hóa nội địa.
Ngoài ra, khi bàn về Cộng đồng kinh tế ASEAN, chúng ta đang nói nhiều về thương mại và xuất khẩu nhưng lại bỏ qua các cơ hội ở mảng dịch vụ, giải trí, giáo dục, y tế. Đây là mảng được các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng nhờ áp dụng công nghệ thông tin và cải thiện chất lượng quản lý nhân lực.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!