95,9% tỷ lệ học sinh dân tộc rất ít người hoàn thành kiến thức, tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%, cấp tiểu học đạt hơn 99%, cấp trung học cơ sở đạt hơn 98%... Kết quả này được công bố trong báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa diễn ra tại Hà Nội.
Tính đến tháng 10/2015, các địa phương đã xây dựng được 96 phòng học, 86 phòng công vụ giáo viên. 95% trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi dân tộc rất ít người được học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non mới tại các trường, lớp mẫu giáo thôn bản công lập; tổ chức tập huấn cho hơn 700 lượt giáo viên và cán bộ sở, phòng giáo dục. Chất lược giáo dục ở các cấp cũng được cải thiện rõ rệt.
Ông Hoàng Đức Minh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Lai Châu đánh giá: “Thứ nhất, đề án đã thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc ít người. Thứ hai, sau đề án này cơ sở vật chất, diện mạo các trường đã thay đổi hoàn toàn, học sinh có trường lớp học tốt, có khu nội trú. Thứ ba, chất lượng giáo dục của học sinh đã được nâng lên rõ rệt từ tiểu học đến trung học phổ thông”.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thừa nhận những hạn chế trong 5 năm thực hiện đề án như chưa tiến hành khảo sát kỹ lưỡng dẫn đến quy hoạch sát với thực tế, vẫn còn học sinh dân tộc ít người bỏ học, việc xây dựng cơ sở vật chất đối với các điểm trường chưa đạt kế hoạch do thiếu kinh phí...
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015 vừa là tiền đề, vừa bổ sung cơ sở thực tiễn trong việc xây dựng chính sách giáo dục đặc thù mới cho các dân tộc rất ít người trong giai đoạn tới.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Bộ Giáo dục sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với dân tộc ít người. Do đề án này sẽ kết thúc vào cuối năm nay, nên chúng tôi sẽ đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thực hiện đề án. Chúng tôi cũng mong muốn phối hợp với các ban ngành tiếp tục đưa ra những chính sách phát triển giáo dục hiệu quả khác trong thời gian tới”.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!