Ảnh minh họa. (Nguồn: www.binhthuan.gov.vn)
Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, bậc học của 11 huyện miền núi trong tỉnh đều có sự chuyển biến tích cực.
Theo đó, đối với bậc học mầm non, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm xuống còn 8,3%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 8,46% vào năm 2015. Số trường tổ chức bán trú đạt 93,5%. 6 đơn vị có trường mầm non tổ chức bán trú 100% là Quan Hóa, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Như Xuân và Như Thanh. Các trường đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi sớm hơn 1 năm so với kế hoạch, đây là một thành quả đáng khích lệ của giáo dục Thanh Hóa cũng như của ngành học mầm non. Đối với bậc tiểu học và trung học cơ sở, song song với nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, các đơn vị đã chú trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn thông qua Đề án xây dựng các trường trọng điểm chất lượng cao.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn bậc trung học phổ thông đã có sự chuyển biến tích cực với 6 học sinh đạt giải quốc gia. Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia có 15 trường đạt tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao như trường THPT Lang Chánh đạt 99,63%; trường THPT Mường Lát 99,55%… Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia tiếp tục được các địa phương quan tâm, đến nay toàn khu vực có 219 trường đạt chuẩn chiếm 31,92%, tăng 38 trường so với năm học 2013- 2014. Nhiều huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cao như: Cẩm Thủy, Lang Chánh, Như Thanh, Thạch Thành…
Phát triển mạng lưới trường lớp, các Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường rà soát, tham mưu cho UBND 11 huyện miền núi dồn các điểm lẻ, lớp ghép, sáp nhập trường trung học cơ sở và trường tiểu học thành trường tiểu học và trung học cơ sở. Sau khi thực hiện, hiện nay còn 62 trường có lớp ghép với 3.145 học sinh. Bên cạnh đó, tiếp tục chuyển đổi 1 trường trung học cơ sở thành trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở, nâng tổng số trường Phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở lên 19 trường với 4.109 học sinh. Các trường trên địa bàn tiếp tục được đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ tốt hơn cho việc triển khai các hoạt động giáo dục.
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo miền núi, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa quan tâm đến việc duy trì sỹ số học sinh, đặc biệt sau các kỳ nghỉ hè, nghỉ lễ, tết, khắc phục tối đa tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Tỉnh quan tâm thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên và học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và hiệu quả; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để huy động tối đa các nguồn lực cho việc phát triển các mạng lưới trường lớp, cơ sở hạ tầng, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả phổ cập giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online!