Tất nhiên hiệu quả của hợp tác của Việt Nam với ASEAN, đặc biệt trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, vẫn còn không ít thách thức, đòi hỏi sự tham gia chủ động hơn nữa của các doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, vẫn cần khẳng định quyết định đúng đắn mang tính chiến lược của Việt Nam khi gia nhập ASEAN năm 1995.
Đối với ASEAN, chặng đường nửa thế kỷ qua cũng không hoàn toàn dễ dàng, khi mà ở thời điểm thành lập ASEAN, khu vực Đông Nam Á vẫn còn những đối đầu và nghi kỵ. Nhưng sau 50 năm, ASEAN đã khẳng định vai trò và vị thế quan trọng, mang lại những lợi ích to lớn cho các nước thành viên, cho chính ASEAN và là đối tác không thể thiếu của các nước lớn trên thế giới.
Chặng đường nửa thế kỷ qua ghi dấu những bước phát triển vượt bậc của ASEAN. Từ một tổ chức chỉ có 5 thành viên sáng lập ban đầu năm 1967, ASEAN nhanh chóng quy tụ đủ 10 nước Đông Nam Á vào năm 1999, và rồi hiện thực hóa giấc mơ về một chương mới trong hợp tác với sự hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Với 10 nước thành viên, Tổng sản phẩm quốc nội GDP 2,6 nghìn tỷ USD, ASEAN đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới vào năm 2016. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,1%, cao gấp rưỡi mức trung bình của thế giới. ASEAN là thị trường lớn thứ 3 thế giới với khoảng 630 triệu dân, hơn 50% dân số dưới 30 tuổi. ASEAN đứng Số 1 thế giới về sản xuất dầu cọ và cao su. Số 2 thế giới về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Số 2 thế giới về số người sử dụng Facebook. Số 3 thế giới về số người sử dụng điện thoại di động, tỷ lệ phổ cập điện thoại di động cao hơn mức trung bình thế giới. ASEAN được dự đoán sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2050.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!