Bánh mì thanh long được nhắc đến như một sự sáng tạo, thích ứng trong những ngày đầu tiên Việt Nam chống dịch COVID-19. Đến nay, câu chuyện này vẫn đang được tiếp nối với nhiều dự định mới mẻ.
Khi hàng trăm xe chở thanh long bắt đầu ùn ứ trên cửa khẩu các tỉnh biên giới thì ở TP.HCM, một sáng kiến đã bắt đầu được triển khai. Ngày 8/2, hơn 300 ổ bánh mì thanh long đã ra mắt. Ngày thứ 2 tăng lên 3.000 ổ. Còn hiện tại, mỗi ngày cơ sở này sản xuất 30.000 ổ vẫn không đủ bán.
Tác giả của sáng tạo này chính là ông Kao Siêu Lực. Sau bánh mì thanh long, ông cũng đã hoàn thiện công thức làm bánh mì sầu riêng, bánh mì dưa hấu, chuối. Tháng 4 vừa qua, ông và đối tác cũng hoàn thiện thủ tục để xuất khẩu bánh mì thanh long sang Nhật. Thành công nhưng ông Lực không giữ cho riêng mình.
Thời gian qua, công thức làm bánh mì thanh long của ông Lực đã xuất hiện trong nhiều căn bếp của các gia đình từ thành thị đến nông thôn.
Theo Business Insider, một tờ báo của Mỹ, bánh mì thanh long cho thấy sự thích nghi sáng tạo, sẵn sàng đương đầu của Việt Nam trước những tác động của dịch COVID-19.
Sau bánh mì thanh long, nhiều sản phẩm sáng tạo khác ra đời như bún dưa hấu, bánh tráng, mì thanh long… hiện cũng thu hút rất đông người tiêu dùng trong nước.
Từ sáng tạo trong COVID-19 đã mở ra cho Việt Nam một ngành hàng thực phẩm rất tiềm năng. Nông sản giảm dần áp lực bán tươi khi hàng loạt nhà máy chế biến sâu đẩy nhanh tiến độ và tăng công suất. Đây là cơ hội cho Việt Nam khi việc chống dịch bệnh có những kết quả khả quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!