Ngành thời trang nhanh hay thời trang công nghiệp mà tất cả chúng ta đang mặc, được cho là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất. Thời trang nhanh thải 10% khí carbon toàn cầu, là ngành tiêu thụ nước sạch lớn thứ 2 thế giới và làm ô nhiễm đại dương với vi hạt nhựa. 85% tất cả quần áo từng được sản xuất trong 1 năm sẽ bị vứt vào thùng rác. Đó là một sự lãng phí cực lớn. Khi công chúng dần dần nhận thức được về tác động môi trường của thời trang nhanh, các thương hiệu thời trang cả lớn và nhỏ đang vội vã tìm giải pháp. Đã đến lúc phải có cách mạng với quần áo công nghiệp.
Một shop thời trang nhỏ ở Sydney, Australia đang hướng tới một phương châm là "thời trang bền vững". Như vậy, khách hàng có thể thuê quần áo, đổi quần áo, giày dép cũ lấy mới như là cách bạn mượn sách trong thư viện.
Thời trang công nghiệp tiêu tốn nước, mực, thuốc tẩy, xả thải ra môi trường nhưng hầu hết quần áo còn chưa kịp được mặc đã bị vứt đi. Ngành công nghiệp thời trang ở Australia nói riêng và toàn thế giới vẫn phát triển đều trong ít nhất 5 năm qua.
Xưởng của shop Thư viện Quần áo đang tăng cường thu lại quần áo bị bỏ đi, sử dụng công nghệ để tái chế vải, may lại những bộ quần áo mới tinh và đổi cho khách hàng. Nỗ lực của shop Thư viện Quần áo là để thay đổi thói quen tiêu dùng hiện nay. Nó mang tới cảm hứng cho cả những tên tuổi lớn.
Hãng thời trang Hennes & Mauritz (hay đơn giản là H&M) cùng Banana Republic và Urban Outfitters là những thương hiệu thời trang nhanh đang triển khai chương trình cho thuê quần áo.
Ví dụ như tại H&M, những khách hàng thân thiết có thể thử nghiệm chương trình ở cửa hàng tại Stockholm của hãng. Một bộ sưu tập sẽ có 50 món đồ, mượn 3 món đồ trong 1 tuần, khách sẽ phải trả hơn 30 USD (khoảng 700.000 VNĐ). Dần dần, hoạt động cho thuê sẽ được mở rộng ra mọi chi nhánh của H&M trên toàn thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!