Ý nghĩa của Tết Hàn Thực trong văn hóa Việt Nam

Minh Đức-Thứ hai, ngày 16/04/2018 17:30 GMT+7

VTV.vn - Theo chuyên gia văn hóa, ngày Tết Hàn Thực ở Việt Nam là thời điểm cả gia đình quây quần bên nhau nặn bánh trôi bánh chay, đặt lên bàn thờ để tưởng nhớ tổ tiên, cội nguồn.

Tết Hàn Thực được xem là một ngày lễ truyền thống của Việt Nam khi người dân khắp vùng đều nặn bánh trôi, bánh chay cúng lên tổ tiên vào ngày 3/3 Âm lịch hàng năm.

Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Hồng, ngày Tết Hàn Thực bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc, liên quan đến việc người dân đất nước này tưởng nhớ đến vị tướng Tử Thôi cõng mẹ chết cháy trong rừng, vậy nên tục lệ của đất nước này là phải ăn đồ nguội đã nấu sẵn từ ngày hôm trước và cấm lửa vào ngày Tết Hàn Thực. Tuy nhiên, trong quá trình giao thoa văn hóa, Tết Hàn Thực của Việt Nam có những điểm khác biệt lớn, mang đậm bản sắc dân tộc rõ nét.

"Vào ngày Tết Hàn Thực, người dân Việt Nam không có tục cấm lửa, cũng không phải cúng để tưởng nhớ đến vị tướng Tử Thôi. Bánh được làm ra đều đặt lên bàn thờ để cúng bái và tưởng nhớ gia tiên, mang ý nghĩa nhớ về cội nguồn. Đặc biệt, hình tượng nặn nhiều chiếc bánh trôi, bánh chay tròn vo, nho nhỏ, xếp đầy trên đĩa cũng mang hàm ý tưởng nhớ đến mẹ Âu Cơ khi sinh ra bọc trăm trứng, thể hiện người dân Việt Nam nhớ rõ cội nguồn con rồng cháu tiên của mình" - chuyên gia văn hóa này chia sẻ.

Ý nghĩa của Tết Hàn Thực trong văn hóa Việt Nam - Ảnh 1.

Chuyên gia Nguyễn Hồng cũng chia sẻ thêm về cách bài trí mâm cúng Tết Hàn Thực sao cho ý nghĩa, đúng nhất, thể hiện được sự thành tâm của con cháu.

"Mâm cúng lễ Tết Hàn Thực cũng tương tự như các ngày lễ tết quan trọng khác, cần có hương, hoa, quả tươi, trầu cau. Tránh dùng những loại quả có nhiều gai góc để bày ngũ quả, nếu cầu kỳ thì mua các loại quả đại diện ngũ hành, đơn giản hơn thì chỉ cần một đĩa hoa quả tươi là được, chỉ cần thể hiện sự thành tâm cũng đủ. Trên bàn thờ cũng phải có 1 ly nước sạch thể hiện tâm trong sạch, thanh tịnh của gia chủ khi làm lễ" - chuyên gia cho biết.

Ý nghĩa của Tết Hàn Thực trong văn hóa Việt Nam - Ảnh 2.

Ngoài ra, trên mâm cúng Tết Hàn Thực không thể thiếu bánh trôi, bánh chay. Luôn phải có 5 hoặc 3 đĩa bánh trôi, 3 bát bánh chay dâng lên bàn thờ. Bởi lẽ, người xưa quan niệm số lẻ là số tâm linh, không được dùng số chẵn.

Ngoài ra, việc nặn bánh trôi bánh chay tuy đơn giản nhưng cũng rất cần sự tỉ mẩn, vậy nên cần có sự tham gia của cả gia đình. Điều này dễ thấy ở nhiều gia đình, khi đến ngày 3/3, các thế hệ lại cùng nhau nặn bánh, cúng tổ tiên và quây quần thụ lộc, vô cùng đầm ấm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước