Trẻ em nông thôn thiệt thòi khi muốn tìm không gian vui chơi lành mạnh

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 31/07/2023 14:44 GMT+7

VTV.vn - Vừa thiếu vừa không chuyên nên công tác thiếu nhi, tạo sân chơi cho trẻ em nông thôn trồi sụt, lúc có lúc không.

Dù ở đâu, trẻ em vẫn luôn mong muốn có một sân chơi lành mạnh, những hoạt động thường xuyên giúp các em phát triển tinh thần, thể chất, nhất là trẻ em ở vùng nông thôn. Ước mong ngày càng lớn nhưng việc tạo ra những sân chơi bổ ích ở nhiều vùng quê còn hạn chế.

Nghỉ hè là dịp để các em thỏa sức xả hơi sau những ngày học căng thẳng, chuẩn bị một tâm thế tốt để bước vào năm học mới. Nghỉ hè sẽ thực sự đúng nghĩa khi các em được vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe. Song ở nhiều vùng nông thôn, dù có không gian rộng nhưng vẫn thiếu cả nhân lực và cơ sở vật chất.

"Cần phát huy nhiều hơn nữa sáng kiến, tăng cường vai trò, trách nhiệm của đoàn đội trong việc tổ chức hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em, thanh thiếu nhi tại cộng đồng, trong đó có vai trò của đoàn thanh niên để làm sao đưa hoạt động văn hóa giáo dục đạo đức, lý tưởng đến được từng gia đình, cộng đồng dân cư, xã phường…", ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - chia sẻ.

"Chúng ta phải có những hướng dẫn cụ thể để khi tư nhân, các doanh nghiệp đầu tư vào thiết chế văn hóa và vui chơi giải trí cho trẻ em phải đảm bảo mang lại lợi ích thực nhất vừa đảm bảo nguồn lực, nguồn thu để duy trì hoạt động các thiết chế này", ông Đặng Hoa Nam cho biết thêm.

Ngoài yếu tố về con người, cơ sở vật chất còn thiếu thốn cũng khiến không ít trẻ em vùng nông thôn chịu thiệt thòi khi muốn tìm không gian vui chơi lành mạnh. Các thiết chế văn hóa không chỉ phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí cho thiếu nhi tại địa phương mà còn giáo dục kỹ năng sống, hạn chế tai nạn thương tích ở trẻ em. Những năm gần đây, nhiều địa phương đã chủ động xã hội hóa những công trình nông thôn. Tuy nhiên, những rào cản khiến việc kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư cho thiết chế văn hóa còn tồn tại.

Xây dựng điểm vui chơi cho trẻ em là một trong những chỉ tiêu để đạt chuẩn nông thôn mới. Nhưng nhiều địa phương chưa chú trọng, có nơi nhà văn hóa chỉ xây dựng để đạt chuẩn rồi cửa đóng then cài, khoảng sân dùng cho thuê làm nơi kinh doanh mua bán; có nơi dùng để mở các lớp kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp bồi dưỡng phát triển năng khiếu cho trẻ nhưng đội ngũ giảng dạy phần lớn do cán bộ Đoàn kiêm nhiệm, nội dung sinh hoạt nghèo nàn nên đa phần không hấp dẫn các em.

Theo thống kê năm 2020, cả nước có 69 thiết chế văn hóa cấp tỉnh; 651 quận, huyện có trung tâm văn hóa – thể thao hoặc nhà văn hóa (đạt 91%); gần 76.000 nhà văn hóa cấp thôn, bản, khu dân cư (đạt gần 75%). Theo quy định, hệ thống thiết chế văn hóa này phải dành 30% thời lượng hoạt động cho trẻ em. Tuy nhiên, thực tế sân chơi cho trẻ vẫn thiếu so với nhu cầu. Hoạt động văn hóa nghệ thuật cho trẻ em còn khá nghèo nàn, đơn điệu.

Trẻ em ở nông thôn có lợi thế hơn ở thành phố là được gần gũi thiên nhiên, song tốc độ đô thị hóa và những biến đổi trong nhịp sống đang thu hẹp không gian vui chơi của các em. Do vậy, đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa cho trẻ em nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng để tạo gắn kết cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần, bồi đắp giá trị nhân văn cho các em.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước