Chị đang ấp ủ cho ra mắt một vở diễn Ionah với sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật như múa, xiếc, kịch nói… Lâu nay, múa vẫn được xếp vào hàng kén khán giả. Và hành trình đến được với khán giả của múa, của xiếc, của kịch nói ở Hà Nội vẫn đầy gian nan, vất vả. Vì lý do gì chị lại quyết tâm dựng một vở kết hợp?
Múa là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, ngôn ngữ của múa là ngôn ngữ hình thể, vì thế, nếu có kén khán giả cũng là dễ hiểu. Ví dụ, khi bạn đi xem tranh, bạn phải hiểu về tranh và thẩm định được về tranh. Múa cũng là một loại hình nghệ thuật với những đặc thù riêng biệt như thế.
Bên cạnh đó, múa chưa đến được với khán giả còn vì múa chưa có được nhà đầu tư tâm huyết. Sự tâm huyết này còn phải kéo dài, kiên nhẫn. Nghệ sĩ cố lắm cũng chỉ thỉnh thoảng làm được một show, một đêm diễn rồi lại thôi.
Tôi quyết định làm vở Ionah này vì may mắn có được nhà đầu tư, nhà sản xuất song hành trong một thời gian dài. Chính vì thế, các nghệ sĩ trong ê-kíp của chúng tôi đang rất cố gắng và làm việc với nhiều tâm huyết.
Chị là một biên đạo múa may mắn. Chị nổi tiếng không phải nhờ múa mà nhờ việc làm giám khảo trên các chương trình truyền hình thực tế có rating cao. Chính nhờ sự nổi tiếng có được từ truyền hình, chị "đắt sô" hơn và có được cơ hội để làm việc với múa?
Từ trước khi tham gia làm giám khảo các chương trình truyền hình thực tế, tôi đã là một diễn viên múa "đắt sô". Từ khi còn là một diễn viên múa "chạy sô", tôi đã nghĩ đến việc lập nhóm múa, dựng bài cho nhóm… Từ chương trình SV Việt Nam (1996 - 1997), tôi đã được mời làm biên đạo cho các tiết mục. Tôi làm rất nhiều chương trình khác như Đồ Rê Mí, Trí tuệ Việt Nam những số đầu tiên…
Đến một ngày, tôi quyết định đi học vì chợt hiểu ra, cuộc sống của tôi không thể cứ như thế này mãi. Có tiền, nhưng không được là mình.
Trong khi chị đi học ở Úc, ở Pháp về và ngồi trên ghế nóng các chương trình truyền hình, các nghệ sĩ múa khác vẫn phải “vật vã”, vất vả tìm đường đến với khán giả. Chị có thấy mình may mắn?
Thực tế, múa có mặt ở khắp mọi nơi. Múa chiếm đa phần ở các lễ hội. Múa luôn xuất hiện trong các show ca nhạc.
Ở các xã hội văn minh, múa rất phát triển và được coi trọng. Vì sao người ta coi trọng múa? Vì người ta hiểu rằng, để có một vở múa, đó là sự lao động cật lực cả về sức, cả về ý tưởng. Múa khác với các lĩnh vực nghệ thuật khác. Vở múa là tổng hợp của một ê-kíp, trong đó cần sự đồng lòng của biên đạo, nghệ sĩ múa, âm nhạc, phục trang…
Và trên tất cả, để có một vở múa, nghệ sĩ múa phải lao động thực sự, cần đến rất nhiều sức lực và tâm huyết.
Đã có thời, khi múa loay hoay tìm chỗ đứng và tìm hướng đi quá lâu, khán giả đã nghi ngờ tài năng của các biên đạo và các nghệ sĩ múa Việt Nam, chị nghĩ sao?
Có thể, tài năng của chúng ta vẫn chưa đến đâu. Cứ cho là như thế đi. Ở đâu cũng có người tài và người không tài. Ở Việt Nam cũng thế. Nhưng trên tất cả, tôi cho rằng, chúng ta phải lao động. Quan điểm của tôi rất rõ ràng, hãy làm việc đi thay vì chỉ ngồi nói. Tài hay không tài cũng đều phải được chứng minh bằng tác phẩm!
Chưa kể, để một vở múa đi được đến với khán giả còn cần cả một công nghệ. Đó là, ai sẽ bán nó? Ai sẽ đưa nó đến nhà hát? Ai sẽ lôi kéo được công chúng đến xem? Đó là một công nghệ và không chỉ phụ thuộc vào các nghệ sĩ chúng tôi.
Với vở diễn mới “Ionah”, chị kết hợp giữa múa và xiếc? Đã nhắc đến xiếc và các chương trình nghệ thuật giải trí (nhiều nước trên thế giới đã làm), làm sao phải khiến khán giả trầm trồ, choáng ngợp, thậm chí là thán phục. Chị nghĩ “Ionah” đã làm được như thế?
Vở diễn có sự tham gia của nhiều diễn viên xiếc. Để các diễn viên xiếc biết diễn xuất, biết trình diễn đúng nhạc… đã là cả một sự vất vả lớn. Ý tưởng đã được lên từ rất lâu và chúng tôi đã có 4 tháng tập luyện rất khổ cực. Tôi là một người quyết liệt, nhất là trong công việc. Nhiều khi các bạn ấy thấy sợ tôi luôn. Chúng tôi đã làm việc rất mệt nhọc, nói thật là thế.
Dàn dựng một vở diễn tổng hợp khó hơn nhiều lần dàn dựng một vở múa. Chúng tôi phải quyết định bao nhiêu phần trăm là xiếc, bao nhiêu phần trăm múa. Trong khi đó, các nghệ sĩ tham gia vở diễn lại có những sở trường khác nhau. Để làm việc với ngần ấy nghệ sĩ, với ngần ấy sở trường và quyết định “sử dụng” các sở trường ấy như thế nào… Rất khó.
Còn việc bạn nhắc đến sự choáng ngợp và thán phục, tôi chỉ muốn nói thế này, chúng ta chỉ có như thế này thôi. Thay vì so sánh với các nước bạn trên thế giới, hãy vui với những gì mình có và tìm cách nâng tầm nó lên. Chỉ bằng cách ấy mới giúp chúng ta không giẫm chân tại chỗ.
Trần Ly Ly đang rất "đắt sô". Hỏi một câu, chị có thể kiếm tiền được với múa?
Có. Tôi kiếm được tiền và sống khỏe với múa. Nghề múa không bạc với tôi. Ngoài niềm yêu thích, tôi sống đủ và sống khỏe. Với nghệ sĩ chúng tôi, quan điểm “đủ” và “khỏe” rất đơn giản. Mặc dù tôi không có mấy cái nhà, mấy cái xe… nhưng tôi có thể đưa một nhóm cộng sự vài chục người đi ăn, tôi làm được và vui với điều đó.
Chị còn được phong tặng danh hiệu NSƯT lần này, trong khi nhiều nghệ sĩ khác đấu tranh không được. Đó là một sự may mắn khác nữa?
Tôi sống tự nhiên lắm. Được cho thì nhận. Tôi không tranh đấu gì cả. Khi nhận được, tôi rất hạnh phúc và quý trọng. Nhưng nếu không nhận được, cũng không thấy căng thẳng gì.
Người nghệ sĩ thực thụ họ không cần gì cả. Quan trọng nhất chỉ là tác phẩm. Những tác phẩm khiến người ta có thể tự hào.
Từ sự tự hào ấy sẽ mang lại tiền bạc và những thứ khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!