Việt Nam với bề dày lịch sử và văn hóa, sở hữu kho tàng di sản vô cùng phong phú. Không ngừng tìm kiếm cách thức mới để đưa hồn cốt dân tộc vào tác phẩm của mình, các nghệ sĩ cũng góp phần làm sống lại những giá trị từng bị lãng quên, đồng thời giới thiệu chúng đến với người yêu nghệ thuật một cách sinh động và hấp dẫn hơn. Đây cũng là chủ đề của Góc nhìn văn hóa số mới nhất.
Những năm gần đây, các di sản văn hóa không chỉ là biểu tượng của quá khứ mà còn là nguồn cảm hứng cho các không gian sáng tạo, nơi nghệ thuật hiện đại gặp gỡ và giao thoa với truyền thống. Việc khai thác và phát huy nguồn di sản văn hóa để xây dựng các không gian sáng tạo không chỉ đơn thuần tái hiện hình ảnh di sản, mà còn mang lại cái nhìn mới mẻ, hấp dẫn hơn về vẻ đẹp văn hóa truyền thống. Có thể thấy, thời gian qua, nhiều dự án văn hóa sáng tạo trên nền di sản văn hóa đã tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, thu hút cả người Việt Nam và nước ngoài. Điều này không chỉ góp phần vào bảo tồn giá trị di sản văn hóa mà còn tạo ra nguồn thu nhờ những sản phẩm mang đậm bản sắc Việt.
Hiện nay, đa số các không gian di sản văn hóa đều thuộc quyền quản lý của các cơ quan đơn vị Nhà nước. Việc tạo điều kiện để các nghệ sĩ, các tổ chức tư nhân thực hành nghệ thuật hiện đại vào không gian di sản rất cần những cơ chế hỗ trợ từ cơ quan quản lý, chỉ khi ấy mới có thể huy động sức mạnh cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.
Những nhạc hội quốc tế được trình diễn trong các không gian di sản văn hóa, một vở diễn đương đại diễn ra tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, trước đó là chuỗi sự kiện được tổ chức tại nhiều không gian của phố cổ như 22 Hàng Buồm, 50 Đào Duy Từ… Hà Nội là địa phương luôn tạo điều để đưa các dự án nghệ thuật vào không gian văn hóa, khiến các di sản trở thành không gian sáng tạo. Theo các chuyên gia, từ kinh nghiệm của Hà Nội thì rất cần cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích các nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật đầu tư vào lĩnh vực này.
Nhiều quốc gia đã thành công trong việc đưa nghệ thuật vào các không gian di sản, làm mới các di sản truyền thống và nghệ thuật đương đại như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Từ kinh nghiệm của các nước bạn, để bảo tồn và phát triển bền vững các không gian di sản và giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn lực tài chính, khuyến khích hợp tác công tư mà không chỉ dựa vào ngân sách của Nhà nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!