Chuyển đổi số mang lại sức sống mới cho di sản

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 30/12/2024 14:49 GMT+7

VTV.vn - Việc kết hợp giữa bảo tồn truyền thống và đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của di sản văn hóa trong kỷ nguyên số.

Số hóa di sản được coi là xu hướng tất yếu để tối ưu hóa  lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng bền vững. Việt Nam hiện có hơn 30 di sản được UNESCO vinh danh, cùng nhiều di tích, di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê. Ðây chính là tiềm năng rất lớn mà nếu được số hóa đồng bộ sẽ mở rộng không gian tương tác của di sản, gia tăng hiệu quả bảo tồn, khai thác bền vững giá trị di sản. 

Các địa phương trong cả nước, trong đó có Quảng Nam, cũng đang tích cực đẩy mạnh công tác này. Như tại Khu đền tháp Mỹ Sơn, không phải bất cứ du khách nào cũng hiểu hết được các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của một điểm đến, nên hệ thống thuyết minh đa ngôn ngữ trở thành sản phẩm dịch vụ rất phù hợp và hiệu quả. Với website thực tế ảo VR360, dù ở bất kỳ nơi đâu du khách cũng có thể tham quan, tương tác tại các vị trí của khu đền tháp, tạo cảm giác như mình đang có mặt tại Mỹ Sơn. Công nghệ tiên tiến đã được tối ưu hóa, mang lại sức sống mới cho di sản.

Tại các buôn làng Cơ Tu ở Tây Nguyên, công nghệ số đang dần hòa nhập với đời sống truyền thống. Những người dân nơi đây, nhờ vào mạng xã hội đã bắt đầu quảng bá văn hóa đặc sắc của dân tộc mình qua các video, từ điệu múa, nhạc cụ đến lễ hội. Đây là bước tiến quan trọng trong việc đưa công nghệ số đến gần hơn với bản làng, mở ra cơ hội phát triển mới cho văn hóa địa phương. 

Ở một vùng đất giao thoa nhiều nền văn hóa từ Việt, Champa,  từ Á sang Âu qua nhiều thế kỷ như Quảng Nam, kho tàng giá trị văn hóa đọng lại đặc sắc và đồ sộ được coi như là nguồn tài nguyên văn hóa vô giá. Vấn đề là chắt lọc giá trị văn hóa địa phương để số hóa và lồng ghép phát triển du lịch, điều này đã được xới lên từ lâu và càng được chú trọng hơn trong bối cảnh mới.

Từ hai năm qua, ngành du lịch Quảng Nam đã vận hành hệ thống phần mềm du lịch thông minh ở địa chỉ https://quangnamtourism.com.vn/ và ứng dụng trên thiết bị di động có từ khóa "QuangNam Tourism", với các tính năng tương tác trực quan, tham quan thực tế ảo như 3D, AR, VR360.... đồng thời thu thập thông tin phân tích, đánh giá, phản hồi về du lịch Quảng Nam. Ngoài ra, bản đồ số du lịch Quảng Nam được tích hợp, giúp các du khách tìm kiếm thông tin hữu ích một cách chủ động trong suốt chuyến đi. 

Đến nay, ngành du lịch Quảng Nam đã tiến hành số hóa hơn 10 nghìn file dữ liệu hình ảnh điểm đến, 9 nghìn file thô và gần 100 phim, trailer về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch. Đẩy mạnh số hóa vừa giúp cho hoạt động du lịch trở nên đa dạng hơn, vừa bảo vệ giá trị điểm đến, bảo vệ tài nguyên văn hóa bản địa.

Theo báo cáo của UNESCO, các tài liệu văn hóa được số hóa trên toàn cầu đã góp phần bảo tồn các di sản bị nguy cơ hủy hoại do thiên tai, chiến tranh hoặc tác động của thời gian. Những kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự kết hợp giữa công nghệ và di sản văn hóa là một chiến lược hiệu quả, giúp bảo vệ các giá trị văn hóa lâu dài, đồng thời mang lại cơ hội cho các thế hệ tương lai hiểu và cảm nhận sâu sắc về những gì mà ông cha để lại. Việc kết hợp giữa bảo tồn truyền thống và đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của di sản văn hóa trong kỷ nguyên số. 

Số hóa điểm đến du lịch Số hóa điểm đến du lịch

VTV.vn - Vấn đề chắt lọc giá trị văn hóa bản địa để số hóa và lồng ghép phát triển du lịch đã được đề cập từ lâu và ngày càng được chú trọng hơn trong bối cảnh mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước