Vi phạm bản quyền tại Việt Nam nói chung và vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói riêng đã trở thành vấn đề nhức nhối trong nhiều năm qua. Nạn "xài chùa", sao chép, đánh cắp ý tưởng… diễn ra thường xuyên khiến xã hội quan tâm, giới hoạt động nghệ thuật bất bình. Vấn nạn vi phạm bản quyền diễn ra dưới muôn hình vạn trạng và ngày càng có những cách thức tinh vi hơn. Đây đã trở thành tình trạng phổ biến và có nguy cơ đối với ngành công nghiệp văn hóa vốn dễ bị tổn thương. Mới đây, những cáo buộc vi phạm bản quyền từ đơn vị sở hữu chương trình nghệ thuật thực cảnh Ký ức Hội An lại làm nóng dư luận về thực trạng vi phạm bản quyền.
Theo kết quả khảo sát của Dự án tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, có 43% chủ thể sáng tạo đã từng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Thống kế từ thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, từ 2014 – 2022 đã xử phạt vi phạm hành chính 447 tổ chức và 3 cá nhân, với số tiền xử phạt gần 12,9 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu trong quyền phân phối tác phẩm, hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm, hành vi xâm phạm quyền đứng tên tác phẩm. Số lượng các vụ bị xử lý trong suốt gần 10 năm thực thi Nghị định là tỷ lệ quá nhỏ trong tổng số các trường hợp vi phạm.
Việt Nam là một trong 10 quốc gia vi phạm bản quyền lớn nhất trên thế giới. Hệ lụy của việc vi phạm bản quyền rất lớn, có thể làm giảm giá trị của thị trường nghệ thuật, đánh mất niềm tin của các nghệ sĩ, các nhà sưu tập và công chúng. Khó có thể trông chờ vào sự tự giác của tổ chức và cá nhân, việc xử lý bản quyền đang gặp nhiều khó khăn, khiến các vụ việc khó giải quyết và có thể rơi vào tranh cãi không hồi kết.
Theo số liệu khảo sát của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới về đóng góp của các ngành kinh tế dựa vào bản quyền, tại Mỹ con số này chiếm khoảng 12% GDP, Hàn Quốc là 10% GDP, Trung Quốc là 7,35% GDP. Việt Nam có 12 ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo, với thị trường đa dạng sản phẩm dịch vụ văn hóa như điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật, sách, ảnh, tranh, hàng thủ công mỹ nghệ… Tuy nhiên, đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tới 4% GDP. Có thể thấy, tháo gỡ nút thắt trong vi phạm bản quyền không chỉ giúp ngành công nghiệp văn hóa có thể đóng góp doanh thu vào ngân sách Nhà nước mà còn giúp khẳng định thương hiệu quốc gia, thể hiện cam kết Việt Nam đã ký với quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!