Vi phạm bản quyền trên không gian số - Con đường triệt tiêu người sáng tạo chân chính

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 16/04/2023 18:00 GMT+7

VTV.vn - Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng trên không gian mạng, việc bảo vệ tác phẩm khỏi bị sao chép, sử dụng sai mục đích ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Năm 2022, theo nghiên cứu của Media Partners Asia, Việt Nam đứng thứ trong khu vực, sau Indonesia và Philippines về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số. Tính theo đầu người, Việt Nam đứng số 1 , với khoảng 15,5 triệu người, xem bất hợp pháp. Vi phạm bản quyền diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, trên mọi nội dung từ tải nhạc bất hợp pháp, xem phim trên web phim lậu đến sử dụng hình ảnh khi chưa có sự đồng ý. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng trên không gian mạng, việc bảo vệ tác phẩm khỏi bị sao chép, sử dụng sai mục đích ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Khi bị vi phạm bản quyền, các tác giả chọn các cách giải quyết khác nhau, như gửi thư cho đối tượng xin đừng vi phạm nội dung của mình, gửi khiếu nại nên những đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian là các nhà mạng đề nghị gỡ bở nội dung vi phạm… Nếu nhà mạng không hợp tác thì cũng đành chịu. Một phần không nhỏ các tác giả im lặng cho qua. Đó chính là lý do sau 10 năm thực hiện Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, số tiền phạt còn khá khiêm tốn.

Con số được đưa ra tại Hội nghị tổng kết mới của Bộ VHTT-DL cách đây ít ngày. Chỉ trong 10 năm qua, thanh tra của Bộ VHTT-DL đã xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan số tiền gần 13 tỷ đồng, trong đó có 99,5% xử phạt vi phạm sao chép phần mềm máy tính. Tất cả các vi phạm còn lại chỉ chiếm 0,5%, gồm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghệ thuật biểu diễn. Tại các địa phương, ngoài thành phố Hồ Chí Minh xử phạt hơn 8 tỷ đồng trong 10 năm, hầu hết các tỉnh thành chỉ dừng lại ở con số vài chục triệu đồng. Theo Nghị định 131 của Chính phủ, mức vi phạm hầu hết chỉ bị phạt từ 15 – 30 triệu đồng được cho là thấp và không đủ sức răn đe.

Khi hình ảnh cá nhân, bài hát, tác phẩm bị phát tán trên mạng, làm thế nào để tính toán thiệt hại về kinh tế và tinh thần tác giả phải chịu? Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nào. Có lẽ vì thế chưa có tiền lệ trong vụ án hình ảnh nào ở lĩnh vực này. Năm 2019, K+, BHD và Hiệp hội điện ảnh Mỹ đã cùng nộp đơn tố giác tội phạm đối với trang web lậu phimmoi, nhưng gần 4 năm trôi qua, vụ việc vẫn chưa được xét xử.

Một điều đáng mừng là Luật Sở hữu trí tuệ 2022 đã đưa ra một quy định rất mới liên quan trách nhiệm của các đơn vị trung gian. Có thể hiểu là các nhà mạng như Viettel, Mobiphone, Vinaphone hay FPT… có trách nhiệm triển khai các biện pháp kỹ thuật để thực thi bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet. Tuy nhiên, những hướng dẫn cụ thể cần có sớm cũng như nhiều giải pháp pháp lý khác.

Nếu không có hướng dẫn cụ thể để thực thi thì sẽ thua cuộc trong cuộc chiến chống vi phạm bản quyền, nhất là môi trường mạng không ngừng có những thủ đoạn mới theo sự phát triển của công nghệ. Theo tính toán, tình trạng vi phạm bản quyền trực tuyến tại Việt Nam chiếm gần 20% doanh thu toàn ngành video hợp pháp. Đó là con đường dẫn đến sự triệt tiêu những người sáng tạo chân chính, ngăn cản chúng ta chạm tới giá trị nghệ thuật lớn hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước