Làm thế nào để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh?

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 12/11/2021 15:15 GMT+7

VTV.vn - Chủ đề của chương trình câu chuyện văn hóa tuần này sẽ đi tìm lời giải cho câu hỏi làm thế nào để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc.

Ngày 24/11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc sẽ diễn ra nhằm triển khai thực hiện tư tưởng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về văn hóa, đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới, từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 -2026, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là sự kiện quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 thành công rất tốt đẹp. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã xác định các quan điểm, chủ trương mới, toàn diện, sâu sắc, đột phá về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước ta cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc.

Trong chương trình Câu chuyện văn hóa tuần này, những phân tích của khách mời TS. Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội đã xoay quanh chủ đề "Để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh", mang đến những góc nhìn đa dạng. Với ý kiến chia sẻ từ các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, du lịch, văn hóa di sản, chương trình còn giúp phần nào trả lời cho câu hỏi làm thế nào để biến những thế mạnh văn hóa thành sức mạnh nội sinh?

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc". Trong đó, văn hóa là sức mạnh nội sinh, là động lực để phát triển đất nước cường thịnh. Đây là quan điểm mang tính đột phá của Đảng ta tại Đại hội lần thứ 13.

Làm thế nào để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh? - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Viết Chức - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội chia sẻ

Soi chiếu vào đề cương văn hóa năm 1943, đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8, Nghị Quyết 33, mới đây nhất là quan điểm về phát triển văn hóa, con người Việt Nam tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, một lần nữa cho thấy sự quan tâm của Đảng với văn hóa, và ngày càng được nâng lên một tầm cao mới. Điểm nổi bật trong quan điểm về văn hóa tại Đại hội Đảng lần thứ XIII chính là phát triển con người Việt Nam toàn diện. Theo TS Nguyễn Viết Chức, đây là một quan điểm đúng đắn, đúng với yêu cầu của thời đại, đồng thời phải phát triển con người toàn diện nhưng chuyên sâu.

"Con người phải là trung tâm, văn hóa là con người, con người tạo ra văn hóa và là sản phẩm của chính môi trường văn hóa ấy. Vì thế, việc đặt con người là trọng tâm là điều chính xác" - TS Nguyễn Viết Chức nói - "Lực lượng văn nghệ sĩ rất quan trọng với văn hóa. Phải chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ này cả về vật chất và tinh thần, đặc biệt phải làm trái tim, tâm hồn của họ cháy lên khát vọng cháy bỏng cùng nhân dân, cùng toàn Đảng toàn dân xây dựng đất nước hùng cường…. Tôi vẫn tin rằng đến một lúc nào, chúng ta sẽ nhìn thấy những tác phẩm xứng tầm đất nước và thế giới".

Việt Nam có 28 di sản được UNESCO vinh danh, gồm 8 di sản văn hóa thiên nhiên, 13 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và cần được bảo vệ khẩn cấp, 7 di sản tư liệu, 3.560 di tích cấp quốc gia, gồm hàng trăm di tích quốc gia đặc biệt và bảo vật quốc gia.

Làm thế nào để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh? - Ảnh 2.

Văn hóa là tổng hòa giá trị vật chất, yếu tố tinh thần của cộng đồng các dân tộc, được sáng tạo, bảo tồn và lưu giữ qua các thế hệ, tạo nên truyền thống, bản sắc thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, phong tục, tập quán, lối sống. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ ra giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được xem là nguồn lực nội sinh quan trọng, góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp quốc gia.

"Sức mạnh mềm có vị trí rất đặc biệt, đó là tư thế chính nghĩa của một dân tộc, khiến tất cả các dân tộc khác đều phải thừa nhận sức hấp dẫn của một nền văn hóa. Những người trẻ tuổi là những người sinh ra sau chiến tranh. Họ cần phải biết về lịch sử hào hùng của dân tộc mình. Chúng ta cần quan tâm đến cả một nền giáo dục quốc dân đổi mới và sáng tạo. Những thế hệ con người mới sẽ am hiểu sâu sắc hơn về những truyền thống của dân tộc, sức mạnh nội sinh sẽ tiếp tục được phát triển trong giai đoạn tiếp theo của đất nước", PGT.TS Nguyễn Toàn Thắng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ.

Làm thế nào biến những thế mạnh văn hóa thành sức mạnh nội sinh? Cùng lắng nghe thêm ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, du lịch, văn hóa di sản trong Câu chuyện văn hóa qua video dưới đây.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước