Hồi sinh di sản: Chữa lành những vết thương của thời gian, thiên nhiên và con người

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 15/02/2023 13:43 GMT+7

VTV.vn - Khi di sản được đặt trong mối quan hệ hài hòa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển thì mới thực sự là sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện lưu giữ 9 bảo vật quốc gia và nhiều tác phẩm có giá trị. Nhưng việc giữ gìn và phục hồi một tác phẩm, một di sản nguyên vẹn không phải là điều dễ dàng, khi điều kiện kinh phí và nguồn lực còn hạn chế.

"Việt Nam chưa có trường đại học nào, cơ sở nào đào tạo chính thống về tu sửa các tác phẩm nghệ thuật. Các tác phẩm sẽ dần bị mất đi hoặc không còn nguyên dạng. Nỗ lực của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài tu sửa, phục chế, cứu chữa một số bức tranh hư hỏng tương đối nặng, phức tạp. Từ năm 2006 đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tu sửa được gần 2.000 tác phẩm, tận dụng hết khả năng của mình cũng như sự giúp đỡ từ phía bạn để giữ gìn tác phẩm", bà Trần Thị Hương – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ.

Gìn giữ hình ảnh, tư liệu về các hiện vật, tác phẩm nghệ thuật không phải tư duy mới. Các nhà nghiên cứu, nhà bảo tồn bảo tàng đã nhận thức vấn đề này từ nhiều năm trước. Trước khi có diện mạo như hiện nay, di tích quốc gia Văn Miếu Quốc Tử Giám đã trải qua nhiều đợt tu bổ với sự giám sát, hỗ trợ có chuyên môn của các chuyên gia Pháp. Sự hồi sinh của khu di tích này là một câu chuyện thú vị, được thể hiện thông qua chương trình triển lãm Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội, giai đoạn 1898 – 1954. Từ quá khứ đến hiện tại, di sản này trong biến thiên của lịch sử luôn khẳng định được sức sống mạnh mẽ.

Nhiều di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật ở Việt Nam hiện ở trong tình trạng không còn nguyên vẹn. Nguyên nhân dẫn đến sự biến đổi và hủy hoại của chúng là thời gian, khí hậu, độ bền của vật liệu, cấu trúc bộ khung gỗ và tác động của con người. Chưa có thống kê cụ thể, song có thể khẳng định gần 4.000 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đều cần được tu bổ, khôi phục một phần hoặc toàn phần, cùng với sự khơi dòng tồn tại và phát triển. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng nhất để Chính phủ thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích.

Thực tế từ kinh nghiệm của Italia, đây hiện đang là quốc gia có số lượng di sản được UNESCO vinh danh nhiều nhất trên thế giới, đồng thời cũng là một trong những nước đi đầu trong bảo tồn và khai thác di sản. Thành công này có được là nhờ luật pháp, hệ thống quản lý và đặc biệt là sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Di sản là những báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho quốc gia. Di sản cũng là kết tinh lao động của ông cha, được hình thành qua nhiều thế hệ. Nhiều công trình có thể xây dựng được, nhiều sản phẩm có thể sáng tạo mới nhưng di sản không thể tạo ra được. Di sản về bản chất thuộc quá khứ và dễ bị ngủ yên. Chính vì vậy, việc hồi sinh di sản, chữa lãnh những vết thương do thời gian, thiên nhiên và chính con người gây ra là nhiệm vụ của mọi người, để di sản sống được với thế hệ hôm nay, mang hơi thở của thời đại, đóng góp vào sự phát triển bền vững. Khi di sản được đặt trong mối quan hệ hài hòa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển thì mới thực sự là sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước