Tính đến nay, Việt Nam đã có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, nổi bật là các di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại như nhã nhạc, nhạc cung đình triều Nguyễn, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh, hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, hát xoan Phú Thọ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, tín ngưỡng thời mẫu tam phủ của người Việt, nghệ thuật bài chòi, nghệ thuật xòe Thái… Trong đó, các di sản cần được bảo vệ khẩn cấp có nghệ thuật ca trù, nghệ thuật làm gốm của người Chăm. Hát xoan Phú Thọ từng vào danh sách này nhưng nhờ bảo tồn tốt nên đã được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại. Nhiều di sản được thế giới công nhận bởi giá trị độc đáo nhưng thực tế vẫn đứng chông chênh giữa ranh giới phát triển và mai một như cồng chiêng Tây Nguyên… Thực tế này đỏi hỏi công tác bảo tồn các di sản trong danh sách khẩn cấp cần sự vào cuộc đồng bộ.
"Tùy thuộc giá trị và đặc điểm của từng di sản mà sức sống của nó sẽ khác nhau. Có di sản có sức sống tốt khi nó phù hợp với nhu cầu của đời sống đương đại như tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ. Thế nhưng, một số di sản lại rất khó khăn khi thích nghi với bối cảnh đương đại. Điều đó liên quan đến nhiều yếu tố" - GS.TS Từ Thị Loan – Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ - "Thứ nhất là về nghệ nhân, chính sách với nghệ nhân phải rất tốt vì họ là linh hồn của di sản. Thứ hai là về hỗ trợ chính sách, nguồn lực tài chính vì không phải di sản nào cũng tự sống được. Các nghệ nhân cũng phải sống được bằng nghề, như ca trù để sống bằng nghề rất khó. Thứ ba là yêu cầu về không gian để di sản sống và tồn tại. Nếu còn tồn tại thì mới có thể sống được, như cồng chiêng Tây Nguyên phải gắn với nghi lễ vòng đời, cây trồng, vật nuôi… nhưng giờ những nghi lễ này càng ngày càng bị giản lược dần…".
Có nhiều yếu tố phải lưu tâm trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể đã được Đảng, Nhà nước và các địa phương và cộng đồng thực hiện nhiều năm qua, như đầu tư không gian di sản, đưa di sản vào đời sống và kết nối di sản với du lịch. Nhưng yếu tố cốt lõi vẫn phải là con người, cụ thể là các nghệ nhân dân gian. Họ chính là những người giữ lửa, truyền lửa và quyết định sự tồn tại của di sản văn hóa của cộng đồng. Một số địa phương nhờ làm tốt công tác con người mà trong những năm qua, di sản phi vật thể được bảo tồn và phát triển rất tốt, điển hình như hát xoan Phú Thọ.
"Điều quan trọng là chính quyền địa phương quyết tâm, có chiến lược rõ ràng. Ngoài sự quan tâm của Nhà nước, sự chung tay của cộng đồng cực kỳ quan trọng. Họ khơi dậy được niềm tự hào của những người thực hành, người ta thấy hát xoan đúng là một di sản của cộng đồng", GS.TS Từ Thị Loan nói thêm.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào năm 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo cần quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền của các đồng bào dân tộc, kết hợp tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới là tài sản vô cùng quý báu do tổ tiên, cha ông ta mấy nghìn năm để lại, không phải nơi nào cũng có được. Chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn, trân trọng và phát huy. Nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông chúng ta.
Nhiều di sản của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh, thể hiện ghi nhận quốc tế về giá trị văn hóa Việt Nam, vì thế càng phải có trách nhiệm bảo vệ những báu vật ông cha để lại. Cần sự chung tay chặt chẽ, mạnh mẽ hơn của các ngành văn hóa địa phương và cộng đồng, với chiến lược đầu tư bài bản và dài hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!