Hà Nội là đô thị có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi có sự hòa trộn sự độc đáo kiến trúc mà ít đô thị nào trên thế giới có được. Khu phố cổ, phố Pháp, làng trong phố, làng ven đô, kho di sản, tài sản kiến trúc đầy ắp những giá trị văn hóa. Về quỹ kiến trúc đô thị, Hà Nội đang sở hữu 5 thành phần lớn: khu phố cổ Việt truyền thống, khu phố Pháp, các làng cổ, quỹ kiến trúc dựng sau 1954 đến nay, các khu vực cảnh quan thiên nhiên văn hóa.
"Nhìn lại quá khứ, Hà Nội là kẻ chợ. Cuống rốn của nó vẫn gắn với nông thôn, hội nghề, vẫn có đình làng, ông thành Hoàng, lễ hội... Nó vẫn có những điều rất thơ mộng. Bên cạnh lịch sử 1.000 năm Thăng Long tích tụ văn hiến truyền thống, nó có 50 -70 năm tiếp cận văn hóa phương Tây. Vì thế, tôi cho rằng tiềm năng của Hà Nội còn rất lớn", nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.
Với sức sáng tạo của những lớp người Hà Nội mới, thủ đô sẽ không ngừng phát triển trong tương lai. Nhưng chắc chắn rằng, tâm hồn Hà Nội sẽ còn tiếp tục lắng đọng trên những hồ nước, còn đường rợp bóng cây xanh, mái đình chùa, những công trình kiến trúc cổ kính.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Năm 2004, khu phố cổ Hà Nội được công nhận là khu di tích quốc gia với hàng ngàn ngôi nhà cũ, nhà cổ. Từ thời điểm đó, công tác nghiên cứu, phát huy giá trị được bài bản hơn, sau hàng trăm năm, một số công trình đặc biệt đã hồi sinh. Tuy nhiên, chúng chỉ chiếm số ít trong số hàng ngàn ngôi nhà cổ đang xuống cấp nghiêm trọng.
Nói về vấn đề bảo tồn di sản và biến những ngôi nhà cổ trở thành tài sản tạo động lực phát triển thương hiệu riêng cho thủ đô, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - chia sẻ: "Hà Nội bao giờ cũng có một mặt tiếp xúc với cây xanh và nước. Những quỹ riêng, hình thái kiến trúc riêng ấy phải trở thành một không gian để hoạt động riêng của người Hà Nội, làm sao để biến nó thành nguồn lực, giá trị trong tương lai, cộng với một hệ thống hợp trội của một hệ thống, nghĩa là tất cả những giá trị đó phải đồng bộ vì một mục tiêu chung".
Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào – Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam
Tháng 3/2021, Hà Nội công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử tại các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ, lập đề án bảo tồn phát huy giá trị khu phố cũ. Hiến chương bảo tồn các thành phố cổ do Hội đồng di tích và di chỉ quốc tế UNESCO thông qua cách đây hơn 20 năm chính thức hóa việc công nhận trên khắp thế giới một phần hoặc tổng thể các thành phố biểu đạt các giá trị đặc hữu của văn minh đô thị truyền thống. Với bề dày lịch sử, Hà Nội có thể tạo ra nguồn thu lớn từ du lịch văn hóa nếu chính sách quy hoạch du lịch gắn liền với di sản.
"Hà Nội có tiềm năng lớn nhưng các bài học còn lớn hơn nhiều, điều quan trọng là chúng ta tìm ra những bài học, đó là việc chúng ta đối xử với quá khứ, cái gì tốt, cái gì không tốt và chúng ta phục dựng lại những điều tốt đẹp, nhất là khoa học công nghệ sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều", nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết.
Với quỹ di sản kiến trúc giàu có, Hà Nội đã tạo ra sự khác biệt với tất cả các thủ đô khác ở Đông Nam Á. Trong nhiều năm, Hà Nội đã được các tạp chí du lịch thế giới, giải thưởng quốc tế vinh danh là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á. Việc chính thức tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO đã đặt ra nhiều cơ hội và thách thức, cần những bước đi thận trọng và tôn trọng di sản để hình thái đô thị là cơ sở cho sự phát triển bền vững của thủ đô trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!