Áo dài là truyền thống, áo dài là văn hóa, là quê hương Việt Nam, là một hằng số để góp phần định vị vẻ đẹp riêng có của người Việt giữa thế giới hội nhập rộng lớn. Từ áo dài đã được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford. Áo dài gắn liền với chiều dài lịch sử, là tình yêu và niềm tự hào của người Việt.
Với những giá trị đặc biệt của áo dài, hàng loạt các hoạt động chuẩn bị để ghi danh áo dài vào danh mục Di sản văn hoa phí vật thể quốc gia, tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO đã được tổ chức từ nhiều năm nay. Cách đây 3 năm, một hội thảo quốc gia về áo dài Việt Nam đã được Bộ VHTT-DL và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ngay cả việc lập hồ sơ ghi danh áo dài là di sản quốc gia vẫn chưa thể làm được. Con đường đưa áo dài thành Di sản văn hóa của nhân loại vẫn dài và gian truân.
"Ai, địa phương nào, cơ quan nào sẽ đứng ra để làm hồ sơ trình Bộ VHTT-DL ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể. Chúng ta nói về tình cảm dành cho áo dài nhưng cần phải có cơ sở", PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam chia sẻ.
"Muốn thành di sản phải là những điều kiện mang tính pháp lý, tôi nghĩ rằng đã quá chậm khi chưa công nhận áo dài trở thành di sản" – nhà thiết kế Minh Hạnh cho hay – "Chắc chắn rằng những nhà thiết kế như chúng tôi vẫn phải quyết tâm trên con đường để áo dài trở thành di sản một cách chính thức".
Ghi danh áo dài thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là bước quan trọng, là nền tảng để xây dựng hồ sơ trình UNESCO theo Công ước 2003. Trong khi vẫn chưa có đơn vị đủ điều kiện đứng ra lập hồ sơ cho áo dài, việc lan tỏa giá trị của áo dài Việt Nam là điều cần làm ngay, bởi sức sống của di sản trong cộng đồng mới là tiêu chí UNESCO đánh giá cao.
Việc khẳng định quyền sở hữu trí tuệ sáng tạo của tà áo dài Việt Nam, xây dựng hồ sơ chứng nhận là nhiệm vụ cấp thiết. Bởi, sự việc nhà thiết kế nước ngoài sao chép thiết kế áo dài của Việt Nam từng xảy ra. Câu chuyện mất thương hiệu và rất vất vả mới giành lại được của nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre hay cà phê Trung Nguyên… cũng là một bài học.
Cần chiến lược lâu dài để xây dựng hình ảnh áo dài Việt Nam trong làng thời trang thế giới, kiến tạo một nền công nghiệp áo dài riêng, mang thương hiệu Việt Nam. Muốn như vậy, việc thiết kế, may mặc và quảng bá hình ảnh áo dài phải trở thành chính sách, chủ trương và hành động ở cấp quốc gia, không thể chỉ là nỗ lực đơn lẻ của một vài địa phương, cá nhân hay tổ chức.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!