Điểm nghẽn pháp lý gây khó cho nhiều dự án văn hóa

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 10/12/2024 13:59 GMT+7

VTV.vn - Hiện việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng và sự hỗ trợ từ chính quyền.

Thực tiễn gần 8 năm triển khai chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, đóng góp hơn 4% GDP. Phát triển công nghiệp văn hóa bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, thổi luồng gió mới cho tư duy sáng tạo không giới hạn. Tuy nhiên, để đạt được kỳ vọng đóng góp 7% GDP vào năm 2030, thực sự trở thành chiếc đòn bẩy thì ngành công nghiệp văn hóa cần được đầu tư xứng tầm, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về cơ chế, chính sách. Hiện việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng và sự hỗ trợ từ chính quyền.

Mới đây, Lễ hội âm nhạc gió mùa - sự kiện âm nhạc quốc tế đầu tiên có tính định kỳ tại Việt Nam - đã khép lại hành trình sau 10 năm tổ chức. Dự án đã phải qua nhiều thủ tục xin cấp phép chứa đựng rủi ro, khó khăn trong thủ tục mời gọi các nghệ sĩ quốc tế biểu diễn, không thể cân bằng thu chi từ tiền bán vé ở một lễ hội âm nhạc phi lợi nhuận.

Những rào cản khiến nhà sản xuất buộc phải dừng vận hành một sản phẩm biểu diễn chuyên nghiệp, còn người nghe buộc phải từ bỏ thói quen hàng năm mong chờ lễ hội. Mới đây, luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi đã tăng thuế suất từ 5% lên 10% đối với các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim. Khoảng 46.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Nếu như năm 2014, số lượng không gian văn hóa sáng tạo ở Việt Nam mới chỉ dừng con số 37 thì năm 2022 là 300. Địa điểm chủ yếu là đi thuê, mô hình hoạt động tự pháp, thiếu hụt nguồn vốn, kỹ năng vận hành, kiến thức sáng tạo, thiếu sự hỗ trợ từ chính quyền là những rào cản khiến các không gian sáng tạo văn hóa bộc lộ hạn chế trong quá trình hoạt động. Chiếc áo chật hẹp của cơ chế đang kìm hãm các doanh nghiệp, nhà sáng tạo của Việt Nam bắt kịp xu hướng công nghiệp văn hóa giải trí toàn cầu.

Những gì dễ thấy nhất như là hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành văn hóa đó là các trung tâm triển lãm, nhà hát, nhà văn hóa, bảo tàng, rạp chiếu phim hay các di tích đang rất cần nguồn lực xã hội trong việc xây dựng và vận hành. Chỉ khi có quan điểm đúng đắn về việc đầu tư cho văn hóa, các cơ chế chính sách được khơi thông thì mới có thể tạo cầu nối để nhà quản lý doanh nghiệp và cộng đồng cùng chuyển hóa nguồn lực thành tiềm lực để phát triển.

Các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển luôn hỗ trợ và đầu tư cho văn hóa. Nhiều quốc gia đã thành công trong việc vận dụng các mô hình đầu tư và tài trợ cho văn hóa như Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc hay là Trung Quốc. Điển hình như ở Pháp, những kinh nghiệm trong đầu tư cho văn hóa của Pháp có thể gợi mở nhiều bài học cho Việt Nam. Đây là quốc gia từ lâu được biết đến với một mô hình quản trị văn hóa đặc biệt, kết hợp giữa sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhà nước và sự tham gia của khu vực tư nhân, tạo nên một nền tảng bền vững cho việc gìn giữ và phát triển văn hóa. Chính phủ Pháp cung cấp nguồn ngân sách đáng kể cho các tổ chức văn hóa công lập như bảo tàng, nhà hát và các di sản quốc gia. Tuy nhiên, để thích ứng với thời đại, mô hình này đã chuyển mình, khuyến khích phân quyền, tự chủ tài chính và hợp tác công tư. Các tổ chức văn hóa tại Pháp không chỉ nhận tài trợ công mà còn đa dạng hóa nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, tổ chức sự kiện, hợp tác quốc tế và ưu đãi thuế cho trợ tư nhân. Nhìn từ nước bạn, để có thể phát triển bền vững và nâng cao sức mạnh văn hóa trên trường quốc tế, Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn tài chính, khuyến khích hợp tác công tư và phát triển nguồn thu tự tạo để giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Chương trình được kỳ vọng khắc phục các điểm nghẽn về nguồn lực mà lĩnh vực văn hóa hiện nay đang gặp phải. Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả, cần có những nghiên cứu chuyên sâu với cách thức đầu tư trọng tâm trọng điểm mang tính định hướng và có tác dụng hơi nguồn đầu tư xã hội cho văn hóa. Chỉ có như vậy, văn hóa sẽ đạt được các kết quả xứng xứng đáng với mức đầu tư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước