Thành công của những đêm diễn âm nhạc trong nước thời gian qua là tín hiệu tích cực cho thị trường âm nhạc và giải trí trong nước. Những năm gần đây, xu hướng mua vé theo dõi những buổi biểu diễn của các nghệ sĩ trong nước đang trở thành hiện tượng phổ biến trong giới trẻ. Sự xuất hiện của những đêm nhạc quy mô lớn với đầu tư kỹ thuật ánh sáng, âm thanh chuyên nghiệp đã thu hút sự chú ý của không ít người hâm mộ trẻ.
Khi thị trường âm nhạc ngày càng phát triển, khán giả Việt được cập nhật thông tin về ngành công nghiệp biểu diễn quốc tế, nhu cầu của người nghe nhạc không chỉ dừng lại ở phần nghe mà còn muốn trải nghiệm phần nhìn. Giờ đây, việc bỏ thời gian và tiền bạc để đáp ứng nhu cầu giải trí là hoàn toàn chính đáng. Sập trang web, hết vé trong thời gian ngắn là điều kỳ lạ xảy ra sau sức nóng của các show âm nhạc gần đây, như với concert Anh trai vượt ngàn chông gai, chỉ sau 40 phút mở bán, hàng chục ngàn vé đã được bán hết. Điều này trước đây gần như là mơ ước với những nhà tổ chức sự kiện âm nhạc nội địa, bởi chưa từng có tiền lệ.
Không chỉ concert lớn, các chương trình biểu diễn nhỏ như minishow của các nghệ sĩ cũng đang trở thành xu hướng thu hút người trẻ. Với những sự kiện này, khán giả được giao lưu gần gũi với nghệ sĩ. Vé vào cửa dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Chất lượng sân khấu, âm thanh, ánh sáng được đầu tư chỉn chu. Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe từ phía khán giả, việc đầu tư vào những chương trình âm nhạc chất lượng cao, những buổi biểu diễn được dàn dựng công phu sẽ tạo ra hệ sinh thái âm nhạc vững mạnh, hướng tới phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Nhu cầu thị trường đang ngày càng tăng, đặc biệt là trong giới trẻ. Không chỉ ở những thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, các sự kiện âm nhạc diễn ra thường xuyên hơn trên khắp cả nước, cùng với sự vào cuộc của các nhãn hàng, đơn vị tài trợ.
Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng Đông Nam Á năm 2024 cho thấy người trẻ Việt Nam ngày càng chi nhiều tiền cho các đêm diễn ca nhạc. Từ năm 2023 đến nay, Việt Nam liên tục trở thành điểm đến của nhiều nghệ sĩ quốc tế, giúp Việt Nam dần có tên trên bản đồ bữa tiệc âm nhạc đẳng cấp thế giới. Các chuyên gia cho rằng có thể nhìn nhận sự kiện âm nhạc như một đòn bẩy kinh tế cho địa phương, đồng thời giúp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Chính phủ xác định nghệ thuật biểu diễn là một trong 12 lĩnh vực trọng yếu, đặt mục tiêu đạt doanh thu khoảng 31 triệu USD vào năm 2030. Sự phát triển của lĩnh vực biểu diễn không chỉ trông chờ vào tài năng của các nghệ sĩ hay thói quen đến xem hòa nhạc, live concert của khán giả mà quan trọng hơn, ngành công nghiệp biểu diễn cần được nhìn nhận và quản lý chuyên nghiệp như một ngành kinh tế. Có như vậy, nó không chỉ đem tới lợi nhuận mà còn góp phần quảng bá hình ảnh và văn hóa quốc gia với những giá trị lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!