Những bản đúc nổi trên 9 đỉnh đồng ở hoàng cung Huế đã được ghi danh chính thức vào danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á Thái Bình Dương của UNESCO vào ngày 8/5. Như vậy, từ năm 2009 tới nay, Việt Nam đã có 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Thế nhưng, thực tế cho thấy những di sản tư liệu vẫn còn là vấn đề mới mẻ, còn nhiều chồng chéo trong quản lý loại hình di sản này ở Việt Nam.
“Đang có sự chồng chéo về phạm vi quản lý, trong đó việc chồng chéo về tiêu chí đối với hai loại hình đã dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý, bảo vệ và phát huy, đặc biệt là đưa tư liệu ra nước ngoài”, TS. Phạm Thị Khánh Ngân - Phòng Quản lý bảo tàng và di sản tư liệu, Cục Di sản văn hóa chia sẻ.
Được lưu giữ trên nhiều chất liệu, với nhiều loại hình như hoành phi, câu đối, sắc phong, tấu sớ, chiếu chỉ…, di sản tư liệu có vai trò quan trọng trong phổ biến kiến thức, giáo dục truyền thống lịch sử địa lý, văn hóa. Việc tạo ra hành lang pháp lý để có thể tiến hành các hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị các loại hình di sản tư liệu là việc cần làm ngay.
Điều đáng mừng là hiện tại luật lưu trữ và luật di sản đều đang trong quá trình sửa đổi theo hướng thống nhất quản lý. Theo đó, tài liệu lưu trữ khi được công nhận là bảo vật quốc gia hay ghi danh là di sản tư liệu thì sẽ được quản lý theo luật di sản văn hóa.
Theo lộ trình, luật lưu trữ sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 7, còn luật di sản văn hóa sửa đổi sẽ được thảo luận vào kỳ họp thứ 7 và thông qua vào kỳ họp thứ 8 dự kiến diễn ra trong tháng 10 năm nay. Điều đó cho thấy những khởi sắc mới trong công tác quản lý, phát huy giá trị di sản tư liệu sẽ sớm trở thành hiện thực. Nhìn vào những di sản tư liệu hiện còn, có thể thấy độ phong phú đáng ngạc nhiên. Các di sản được UNESCO vinh danh cũng là sự ghi nhận, tin tưởng của các khu vực và quốc tế dành cho Việt Nam trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!