Trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc anh em có những nét đặc trưng văn hóa riêng. Việc bảo tồn gắn liền với phát huy các giá trị những nét văn hóa này đã được nhiều địa phương quan tâm, đạt những kết quả đáng khích lệ, như tại Quảng Nam. Trong giai đoạn 2016 - 2023, tỉnh đã triển khai hơn 100 dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, nổi bật là phục hồi các làng nghề truyền thống, tổ chức các lễ hội văn hóa dân tộc và xây dựng các chương trình du lịch cộng đồng. Nhờ vậy, nhiều giá trị văn hóa đồng bào dân tộc ít người tưởng chừng như mai một đã dần phục hồi.
Quảng Nam không tốn quá nhiều tiền để phục dựng các lễ hội hay dàn dựng các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Cách địa phương này bảo tồn văn hóa đã dựa vào cộng đồng, gia làng ,nghệ nhân là trung tâm dân làng là chủ thể trong việc bảo tồn văn hóa. Làng cũng là nơi để diễn xướng, cộng đồng làng là khán giả, môi trường diễn xướng gắn với lao động sinh hoạt hàng ngày.
Bảo tồn văn hóa nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm thì rất khó. Nhiều lúc, nhiều nơi ngân sách đầu tư rất lớn để phục dựng lễ hội nhưng rồi cũng rơi vào quên lãng. Vấn đề là làm thế nào để người dân tự giữ gìn di sản văn hóa của mình và phát huy được trong cuộc sống hàng ngày. Một trong những cách làm hiệu quả chính là khai thác du lịch cộng đồng.
Theo số liệu từ Tổng Cục Du lịch Việt Nam, trong năm 2023, lượng khách du lịch tham gia các chương trình du lịch cộng đồng tăng mạnh, đạt khoảng 5 triệu lượt khách, đóng góp vào nguồn thu du lịch đáng kể cho nhiều địa phương, đồng thời mô hình này cũng đã giúp tạo việc làm cho người dân nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho các cộng đồng. Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam đặt ra mục tiêu cụ thể về bảo tồn văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ. Theo đó, đến năm 2025 có 20% điểm du lịch cộng đồng có nhà sinh hoạt cộng đồng, 30% chủ cơ sở du lịch được đào tạo về quản lý, 20% lao động du lịch cộng đồng được nâng cao nghiệp vụ, bên cạnh đó sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch cộng đồng trên toàn quốc.
Đa số hoạt động du lịch cộng đồng chuyên nghiệp được đầu tư chỉn chu nhưng cũng có những nơi hoạt động tự phát manh mún. Chính vì vậy, việc hoàn thiện các tiêu chí về du lịch cộng đồng hết sức quan trọng. Điều này cũng góp phần thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị định hướng phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó nhấn mạnh việc phát triển du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao.
Du lịch cộng đồng không chỉ là cơ hội để du khách khám phá văn hóa của các đồng bào dân tộc ít người mà còn là công cụ quan trọng giúp bảo tồn, phát huy và làm giàu thêm các giá trị văn hóa, đồng thời tạo ra những cơ hội phát triển bền vững cho các địa phương. Trong tương lai thì mô hình này cần được nhân rộng và phát triển hơn nữa với đúng các tiêu chí yêu cầu đề ra, để du lịch không chỉ là tham quan các di tích hay thắng cảnh mà là sự kết nối và trải nghiệm sâu sắc giữa con người với con người, giữa các vùng văn hóa, giữa quá khứ với cuộc sống đương đại ngày hôm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!