Các di sản văn hóa là giá trị cốt lõi để phát triển du lịch đặc trưng ở các vùng miền, các tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Nhiều sản phẩm du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa cũng được các địa phương khai thác thành công. Gia Lai là tỉnh miền núi, có nhiều tiềm năng về văn hóa truyền thống, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng. Toàn tỉnh hiện có trên 4.500 bộ cồng chiêng, có khoảng 900 nghệ nhân đánh chiêng giỏi. Đây là những báu vật nhân văn, đang đóng góp thầm lặng để bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Từ tiềm năng, chủ nhân của di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng ở Gia Lai đã ý thức việc khai thác giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều thắng cảnh hùng vĩ, Gia Lai còn là vùng đất hội tụ nhiều dân tộc sinh sống. Toàn tỉnh Gia Lai có 44 dân tộc anh em đoàn kết, chung sống trong những buôn làng sạch đẹp, thơ mộng. Mỗi dân tộc đều đang sở hữu và tìm cách để khai thác những di sản văn hóa độc đáo riêng có.
Bản sắc văn hóa các dân tộc ở Gia Lai được đúc kết qua các thế hệ nối tiếp nhau, được ví như dòng phù sa bồi tụ những gì tinh túy nhất để làm nên sức sống và qua thời gian thì lắng đọng, tạo thành bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo. Nhiều hoạt động văn hóa đã đánh những giá trị văn hóa truyền thống trên vùng đất này.
Nguồn lực văn hóa của các dân tộc Việt Nam vô cùng tiềm năng, biểu hiện qua hệ thống các di sản văn hóa tộc người, qua lễ hội dân gian, tri thức bản địa, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực, trang phục…. Đây là nguồn cảm hứng, chất liệu để phát triển du lịch, âm nhạc, thời trang, điện ảnh gắn liền với bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc.
“Phát triển du lịch bền vững dựa trên vốn di sản là chiến lược đúng. Đó cũng là tiềm năng đã được nhìn thấy từ di sản văn hóa của chúng ta. Tuy nhiên, chiến lược này cần được cụ thể hóa bằng những chính sách, có hành lang pháp lý để đảm bảo rằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn có sự liên thông, vừa cân bằng câu chuyện khai thác di sản để phục vụ du lịch vừa đảm bảo chính sách để bảo tồn di sản, đặc biệt là những chính sách dành cho người dân, những người chủ thể của di sản, sống cùng với di sản và tham gia vào câu chuyện phát triển du lịch, song song với việc giữ được giá trị cốt lõi của di sản”, TS. Lê Thị Minh Lý - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!